Người gốc Việt và vụ gian lận bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ

tlbh.jpgCó đến 7 người gốc Việt bị phát hiện dính líu vào vụ gian lận bảo hiểm được xem là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mấy ngày nay, dư luận trong cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ – đặc biệt là tại Quận Cam và Little Saigon – xôn xao trước tin tức báo chí Mỹ công bố về vụ án gian lận bảo hiểm y tế lên tới 154 triệu USD, được xem là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và có liên quan đến một số nhân vật người Mỹ gốc Việt.

19 bị can, 56 nhân chứng

Theo báo địa phương The Orange County Register số ra ngày 28.6 thì buổi luận tội kết thúc vào sáng 27.6. Theo đó, Phòng Biện lý, tức cơ quan công tố Quận Cam, thông báo việc khởi tố các bị can tình nghi liên quan đến hành vi gian lận tiền bảo hiểm y tế của Trung tâm Giải phẫu ngoại trú Unity thuộc thành phố Buena Park, bang California.

Bồi thẩm đoàn đã mất gần 1 tháng để xem xét hơn 1.000 vật chứng cũng như nghe lời khai của 56 nhân chứng trước khi đưa ra kết luận về những vụ việc đã xảy ra trong thời gian từ tháng 8.2002 đến tháng 4.2003. Có tất cả 19 bị can trong vụ án này, trong số đó 6 người đã nhận tội (2 người đã bị kết án 12 năm tù giam), 13 người còn lại sẽ hầu tòa vào ngày 10.7 tới. Trong 13 người này, có 2 nhân vật được xem là “đầu têu” của vụ án. Đó là luật sư Dickson bị cáo buộc 106 tội trạng và người phụ trách kế toán của Trung tâm Unity là Harnen phải đối mặt với 118 tội trạng. Cả 2 người nếu muốn tại ngoại thì phải đóng món tiền lên đến 2 triệu USD và trong trường hợp bị kết tội, 2 người có thể lãnh mức án tù tối đa tổng cộng gần 160 năm tù giam. 11 người còn lại gồm 3 vị bác sĩ, 8 người điều hành trung tâm và “tuyển mộ” bệnh nhân.

Đặc biệt, dư luận người gốc Việt rất quan tâm khi có tới 7 người gốc Việt nằm trong danh sách 19 bị can nói trên, trong đó có hai vợ chồng là ông Phạm, bà Ngô là những người có cổ phần quan trọng tại trung tâm Unity. Hai người này trước đây cũng từng hùn vốn trong Trung tâm Giải phẫu Anaheim West.

Những “bệnh nhân cho thuê”

Tất cả các nghi can bị cáo giác đã tham gia vào một đường dây nhằm gian lận tiền của các công ty bảo hiểm bằng cách gửi các hóa đơn thanh toán chi phí giải phẫu (vốn rất đắt đỏ ở Mỹ), tiền thuốc men, săn sóc hậu phẫu cho các bệnh nhân nhưng trong thực tế, đó chỉ là những cuộc giải phẫu “ma”, không hề được thực hiện. Tổng số tiền mà đường dây gian lận này “đòi” các công ty bảo hiểm chi trả lên tới 154 triệu USD nhưng cũng may cho các công ty bảo hiểm khi họ mới chi trả hơn 20 triệu USD thì vụ việc đổ bể. Các nghi can đã “tuyển mộ” hơn 2.800 “bệnh nhân” trên cả nước, những người mà Báo Los Angeles Times gọi là “bệnh nhân cho thuê” (rent-a-patient) được chi trả mỗi người từ 300 đến 1.000 USD – hoặc nếu không nhận tiền mặt thì có thể được trao đổi bằng các cuộc giải phẫu thẩm mỹ giá rẻ hoặc miễn phí – cho phi vụ này sau khi được trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại. Theo tin từ các giới chức thẩm quyền ở Quận Cam thì không có “bệnh nhân cho thuê” nào bị truy tố ra tòa án ở California cả khi phía công tố quyết định rằng vụ án liên quan đến quá nhiều người nên chỉ tập trung khởi tố những bị can chính, những người gian lận tiền nhiều nhất. Tuy nhiên, các “bệnh nhân” sinh sống ở những bang khác có thể bị truy tố tại các tòa án địa phương.

Các “bệnh nhân cho thuê” này là những người hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng họ đã bị đám người trên đây hóa phép, cho đi phẫu thuật “ma” rồi thiết lập hồ sơ đề nghị các hãng bảo hiểm thanh toán chi phí.

Dư luận địa phương rất quan tâm đến các vụ gian lận như thế, nhất là trong việc gian lận tiền bảo hiểm, vì một khi các công ty bảo hiểm chịu thiệt thòi tài chính trong các vụ bồi thường ma mãnh như trên đây, họ sẽ tìm cách tăng tiền bảo phí lên và hậu quả là những người đóng thuế phải gánh chịu, kể cả chi phí xử án, giam giữ, nuôi ăn các phạm nhân trong thời gian họ thụ án. Và khi những người được xem là chuyên gia như luật sư, bác sĩ, kế toán lại sử dụng chuyên môn của mình, cấu kết với nhau để đi lường gạt thì sẽ nhận những mức án thích đáng.

Tuyết Linh (từ Mỹ)

Việt Báo

 

 

Comments are closed.