Người dân còn e ngại khi tham gia BHYT

bao_hiem_y_te_-_y_kien_dan_resize.jpgĐây là một nhận xét rút ra từ kết quả khảo sát xã hội học lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Viện Xã hội học thực hiện với sự giúp đỡ của UB Về các vấn đề xã hội và Dự án 00049114 của Văn phòng Quốc hội.

 

GS. TS Tô Duy Hợp, Chủ nhiệm đề tài cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy, người dân còn e ngại về những phiền hà trong khám chữa bệnh bằng BHYT. Những người đã tham gia BHYT phần lớn là đối tượng tham gia bắt buộc. 
      Với quy định trong dự thảo luật, xét trên tỷ lệ với mức thu nhập, dù ở nông thôn hay thành thị, được hỗ trợ hay không được hỗ trợ thì người giàu có hơn thường có xu hướng đóng thấp hơn so với người ít khá giả hơn. Bên cạnh đó, số liệu phân tích cho thấy đô thị luôn đóng thấp hơn so với nông thôn trong khi đó các điều kiện chăm sóc sức khỏe ở đô thị luôn tốt hơn ở nông thôn, tiếp cận dịch vụ y tế ở đô thị luôn dễ dàng hơn ở nông thôn. “Nếu việc tính toán không cẩn thận, chúng ta sẽ tạo nên sự bất bình đẳng giữa nông thôn và đô thị, giữa người nghèo hơn và người giàu hơn trong đóng góp BHYT và gánh nặng luôn đè lên những người yếu hơn”, GS Hợp nói. 
      Kết quả điều tra cũng cho thấy khoảng 1/3 số người được hỏi chưa đồng tình với mức đóng được quy định theo các nhóm đối tượng của họ vì họ cho rằng mức đóng đó cao so với khả năng của họ. Cụ thể, 47,1% những người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 46% người làm nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản không đồng ý với mức đóng BHYT tối đa 6% như trong dự thảo luật… Các chủ doanh nghiệp cũng băn khoăn về mức đóng 4% cho người lao động như quy định của dự thảo. Một số doanh nghiệp bày tỏ: nếu doanh nghiệp không phải đóng BHYT cho người lao động hoặc đóng ít đi thì họ có thể nâng lương cho người lao động. Nếu phải chịu phí đóng BHYT, các doanh nghiệp sẽ tìm cách giảm mức lương của người lao động. Một thực tế nữa là ngay bản thân người lao động cũng sẵn sàng không cần doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho mình mà trả thẳng vào tiền lương, tiền công tháng. Về cùng chi trả, chỉ có 29% những người được hỏi không đồng ý với phương thức này. 66,9% đồng ý với lộ trình tiến tới BHYT. 
      Từ kết quả khảo sát, nhóm thực hiện đề tài kiến nghị cần tính toán lại mức đóng cho thích hợp và có tính đến hoàn cảnh sống của các đối tượng nhằm đảm bảo sự công bằng trong đóng góp, đồng thời công khai việc chi trả khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT, nên xem xét đến phương án chi trả trực tiếp cho người tham gia BHYT. Cho đến năm 2014, cần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT; Công khai, minh bạch chi tiêu tài chính cho việc khám chữa bệnh; Cải thiện trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất ở tuyến dưới; Ngân sách nhà nước phải đảm bảo mức hỗ trợ đã quy định…     
      Cuộc khảo sát sử dụng chủ yếu phương pháp điều tra bằng bảng hỏi ở 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam và Cần Thơ với tổng số 1.080 phiếu cho các đối tượng: người dân và cán bộ, công chức, cán bộ thuộc Bộ Y tế, chủ doanh nghiệp. Mỗi tỉnh điều tra 270 phiếu chia làm 2 khu vực nông thôn và thành thị. Mỗi điểm/tỉnh, thành phố có 135 phiếu. Phản biện báo cáo khảo sát này, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Nguyễn Quý Thanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng hoạt động này đã thực hiện theo một quy trình mang tính khoa học cao.

Tuệ Lâm

Theo Nguoidaibieu.com.vn

Comments are closed.