Thế giới tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với TS Vương Quân Hoàng – ĐH Tổng hợp Bruxelles (Bỉ) đồng thời là người sáng lập hệ thống truyền thông kinh doanh www.saga.vn về thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Việt Nam. Thực tế tại Việt Nam hiện nay số người thực sự quan tâm đánh giá cao vai trò của việc mua BHNT không nhiều lắm. TS. Hoàng cho rằng: nguyên nhân chính của thực tế trên là bởi việc hiểu bản chất rủi ro và xem xét sử dụng các công cụ tài chính của người dân Việt đều không chịu khó tìm hiểu tận tường nên không phải phát sinh nhu cầu.
Có phải vì người dân Việt chưa đủ dư dả để mua BHNT, thưa ông?
Nếu đổ lỗi về mặt kinh tế không đáp ứng được nhu cầu mua bảo hiểm, theo tôi là không thỏa đáng. Bởi với số dân đô thị đã tăng lên gần 30% trên tổng số 85 triệu dân, trong đó có tới phân nửa có năng lực bảo hiểm rủi ro cá nhân cho mình hoặc gia đình ở mức độ nào đó phù hợp, đáng lý ra thị trường phải rất lớn.
Một số người dân quan niệm thay vì mua bảo hiểm, họ dùng tiền đó gửi ngân hàng…Đó là cách nghĩ, nhưng nó chỉ tạo ra lợi ích tài chính, chứ không tạo ra lợi ích “tài chính được bảo hiểm”. Chẳng hạn, bạn có 10% lãi mỗi năm, tuy vậy bảo hiểm có thể cho người được bảo hiểm cả phần thu nhập mà bạn không tạo ra trong tương lai, khi rủi ro xảy ra với người được bảo hiểm. Trường hợp có bảo hiểm, người được thụ hưởng sẽ có lợi, và đó là nguyện vọng của người mua bảo hiểm. Ý nghĩa đó vô cùng lớn lao. Cuộc sống là các giá trị nhân văn mà!
Nhiều người có cảm giác họ bị dụ dỗ, lừa bịp mỗi khi tiếp xúc với các nhân viên kinh doanh bảo hiểm. Theo ông thì nguyên nhân này do đâu?
Do từ cả hai phía. Bên bán bảo hiểm có thực sự “lương thiện và đúng đắn” trong cách thức truyền đạt thông tin hay không. Phương pháp truyền thông rất quan trọng! Các nhà tư vấn bảo hiểm thành đạt ngoài khả năng thuyết phục, xét ở nghĩa tư cách cá nhân và có sự đảm bảo chất lượng lời nói, thì còn phải đảm bảo sự trung thực – đủ thông tin – cặn kẽ. Nói chung phải vì lợi ích của người mua nữa, chứ đừng đứng riêng vì lợi ích công ty bán bảo hiểm.
Phía người mua thì ngoài việc cân nhắc tên tuổi, thành tích và độ tin cậy của hãng bán bảo hiểm, cũng nên lắng nghe cho đủ. Đừng nghe nửa câu hiểu rồi. Đặc biệt, nên đọc kỹ các bảng tính, yêu cầu các phương án khác nhau, rồi thì hỏi những chỗ mà thông tin vắn tắt chưa đủ để làm rõ cho mình. Chỉ mất thêm 15 hay 30 phút mà có một sản phẩm mang tính an toàn thì đó là việc nên làm. Chẳng phải chúng ta vẫn mất rất nhiều thời gian đọc báo, uống cà phê hay sao?
Việc mua bảo hiểm đối với những người độc thân thì sao thưa ông?
Người sống độc thân cũng cần bảo hiểm cho chính mình. Ngoài ra, còn có thể bảo hiểm cho cả cha mẹ mình. Số quan hệ xã hội và dòng tộc có thể nhiều hơn khái niệm vợ (chồng) và con.
Là chuyên viên kinh tế, ông có nhận xét gì về hình thức hoạt động của các công ty bảo hiểm hiện đang có mặt tại Việt Nam?
Tôi nghĩ họ có chiến lược cả. Đang thích nghi với môi trường và đặc tính dân cư. Công tác truyền thông của họ còn khá yếu, và chưa thân thiện với người sử dụng. Tôi nghĩ dừng lại ở một vài trang màu quảng cáo đẹp, ấn tượng chưa đủ. Với sản phẩm trực tiếp liên hệ tới túi tiền, sức khỏe, an toàn… thì phương pháp truyền thông chắc chắn còn phải cải tiến nhiều hơn nữa. Đối với tôi thì chưa thỏa mãn và không ấn tượng. Tôi có mua cho gia đình, nhưng là vì tôi đã hiểu rõ sản phẩm, hỏi xung quanh thì không mấy ai tán thành, làm sao họ tán thành nếu họ không hiểu, và người bán cũng chưa định làm cho họ hiểu thật sự. Truyền thông tới tận cùng thì rõ ràng cần nữa, dừng ở quảng cáo và vài lời giới thiệu vắn tắt cưỡi ngữa xem ho thì không khác “bắt cóc bỏ đỉa” là mấy.
Còn những nhận định của ông về thị trường BHNT Việt Nam tại thời điểm này và trong tương lai.
Hiện tại, thị trường BHNT tăng trưởng chậm lại vì người dân tiếp tục không mặn mà với bảo hiểm. Nhưng không có nghĩa thị trường bão hòa. Cư dân tăng lên, khái niệm rủi ro rõ dần, ý thức bảo hiểm và tự bảo hiểm lớn lên theo khu vực tư nhân…Thị trường rất tiềm năng, có thể lại quay lại mức tăng trưởng của 2000 – 2001, tới 50 – 60% trung bình. Tuy thế, chắc chắn cần nhiều nỗ lực từ phía công ty bảo hiểm, người bán phải nhận trách nhiệm này. Đầu tư đúng cho truyền thông là đầu tư cho lợi nhuận tương lai. Các sản phẩm BHNT thì đã phát triển đủ tốt để đáp ứng nhiều nhu cầu rồi. Còn lại là khơi gợi nhu cầu, và nói cho xã hội cùng hiểu, cùng thấy tác dụng.
Trên thị trường hiện nay, người ta còn nhắc nhiều đến BHNT cho công ty? Chúng tôi không hiểu khái niệm này lắm?
BHNT cho công ty có ý nghĩa đặc biệt. Trước khi có mô hình công ty, loài người chỉ có thể nhận giao dịch kinh tế (người giao dịch với người). Mãi tới thế kỷ 16, mô hình công ty mới bắt đầu hình thành, khái niệm pháp nhân trở nên quen thuộc, nhưng phần quan trọng nhất của pháp nhân, như chúng ta đều biết, chính là những con người. Nếu bỏ qua khái niệm bình đẳng theo nghĩa xã hội, thì rõ ràng người chủ chốt càng đóng vai trò quan trọng. Tôi chỉ có thể chỉ ra vài loại sau đây (nếu chưa có), thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể khai thác. Ví dụ, bảo hiểm trách nhiệm cho các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc ban giám đốc. Loại thứ hai là BHNT, tính mạng và rủi ro liên quan cho nhân vật chủ chốt (các thành viên sáng lập). Ví dụ thành viên HĐQT khi tham gia sẽ hết lòng vì doanh nghiệp nếu là người lương thiện, đôi khi thành viên HĐQT chẳng hưởng gì nếu là thành viên độc lập. Tuy nhiên, khi có rủi ro nghề nghiệp, chẳng hạn khi đang làm việc với tư cách đó mà có sai lầm chung nào đó về kinh doanh, hoặc do rủi ro thì ai sẽ gánh chịu? Tôi cho đó là một khía cạnh khai thác khác, bạn có thể thấy ý nghĩa nó khác.
Cái thứ ba là hiện có rất nhiều công ty bây giờ có vốn đầu tư nước ngoài. Từ những năm 1997 – 1998, khi tôi làm việc với các quỹ đầu tư họ đã từng yêu cầu loại coverage – là bảo hiểm mạng sống và rủi ro sức lao động của chủ doanh nghiệp – nơi họ đầu tư vào. Với các công ty Việt Nam, nếu có chuyện gì xảy ra với chủ doanh nghiệp hay sáng lập viên thì không còn cách nào thu hồi bất cứ xu vốn nào cả. Cộng thêm các điều kiện pháp lý chưa hoàn hảo…nên mặt trái của nó là góp phần tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng hiểu ở nghĩa bảo hiểm thì “chi” không có nghĩa là “phí”. Ngoài ra, nếu đóng bảo hiểm, thì đó cũng là thể hiện doanh nghiệp là ăn đàng hoàng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thế Giới Tiêu Dùng
Comments are closed.