Nghịch cảnh BV tuyến dưới ở TP.HCM: Xếp hàng từ 3h sáng

 Bệnh nhân khám BHYT chen chúc xếp hàng lấy số. Ảnh: Thanh Huyền.– Nếu như phần lớn các tỉnh thành, không ngoại trừ Hà Nội có hiện tượng bệnh viện tuyến dưới vắng như chùa Bà Đanh thì tại TP.HCM, các bệnh viện tuyến quận lại quá tải không kém tuyến Trung ương. Bệnh nhân dùng BHYT đến xếp hàng khám từ 3h sáng, còn bác sĩ thì chỉ được trả 2.000 đồng mỗi lần khám cho một bệnh nhân, nên các bệnh viện này nhiều khi vẫn “lỗ”.

Lý giải về “nghịch cảnh” này của TP.HCM so với các tỉnh thành khác, ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: “Các bệnh viện tuyến huyện/quận của TP HCM sở dĩ đông đúc hơn các bệnh viện cùng tuyến của Hà Nội và nhiều tỉnh khác vì mật độ dân số dày đặc hơn. Mặt khác, do mặt bằng về kinh tế – xã hội của địa phương này cao hơn nên khả năng đầu tư cho các bệnh viện tuyến dưới có thể cũng tốt hơn”.

3 giờ sáng đi xếp hàng

Chỉ mới 7h30 sáng thứ 2 đầu tuần thôi mà khu khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của Bệnh viện quận 7 đã đông nghẹt người. Thậm chí, số người tới khám nhiều quá, ghế trong phòng khám không đủ nên vài chục bệnh nhân đã phải ra ngoài sân đứng, ngồi chờ tới lượt.
Bác Phan Huy Quốc, 68 tuổi, nhà ở huyện Nhà Bè, quận 7, TP.HCM đang ngồi chờ tại khu khám bệnh BHYT. Lâu lâu bác lại thở dài rồi đưa tờ báo lên đọc. Bác Quốc cho biết mình đã đạp xe đến bệnh viện từ 3 giờ sáng để chờ khám huyết áp. Khi đến nơi vì còn quá sớm, phòng khám bệnh chưa mở cửa nên bác đã ngồi đợi ở ngoài sân.
Chị Nguyễn Thị Hồng, 28 tuổi, công nhân may tại huyện Nhà Bè cho biết, mình đã đến khu khám bệnh này từ 5 giờ sáng. “Tưởng thế là sớm, ai ngờ đã có rất nhiều người đến trước tôi. 7h phòng khám mới mở cửa làm việc nên họ đợi ở trước cửa. Khi bốc số tôi là người thứ 103”, chị Hồng nói.

Chị Nguyễn Thị Hướng, làm chung công ty với chị Hồng, đến bệnh viện để khám tổng quát kể: “Ít khi tôi đi khám bảo hiểm lắm vì phải chờ đợi lâu. Nhanh cũng mất cả buổi sáng, nhiều khi lấn sang cả buổi chiều. Nói chung để khám xong là mất 1 ngày làm việc”.

Tại Bệnh viện quận 3, 4 tình hình cũng không khá hơn. Khu khám bệnh bảo hiểm y tế luôn là chỗ đông bệnh nhân ngồi chờ nhất trong bệnh viện. Thay vì phải bốc số như Bệnh viện quận 7, tại đây bệnh nhân cứ nộp sổ y bạ rồi ngồi chờ đến khi nhân viên y tế gọi tên thì vào khám.

Bác sĩ khó tính, thủ tục lằng nhằng?

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu, ngụ phường 10, quận 4 cho biết, bác sĩ khám bảo hiểm y tế cho thuốc uống đã 2 năm rồi nhưng bệnh đau đầu vẫn chưa hết. Thế nhưng, khi bệnh nhân xin chuyển viện thì bệnh viện lại không cho.

Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ của bé Nguyễn Thanh Hải, 8 tuổi, ngụ phường 18, quận 4 bức xúc nói: “Tôi đưa con đi khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện quận lần này là lần thứ 3, không lần nào là không khỏi bực mình. Tôi đã đưa cháu đi khám tư rồi nhưng thấy con sốt cao quá nên đâm lo, phải đưa bé vào viện khám lại. Bác sĩ khám cho bé mà không hỏi bé đau ở đâu, cảm thấy thế nào, chỉ đặt ống nghe qua loa rồi kê toa. Tôi đọc chữ bác sĩ không hiểu bèn hỏi lại xem bé bị bệnh gì nhưng  bác sĩ cũng không trả lời”.
Cụ ông Nguyễn Văn Y (sinh năm 1945, ngụ tại phường 8, quận 4) ngồi chờ khám bảo hiểm y tế tại Bệnh viện quận 4 phàn nàn: “Tôi bị bệnh về cột sống, khám theo diện bảo hiểm y tế. Tôi xin chuyển qua khám tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nhưng Bệnh viện quận 4 không cho. Trong khi đó, bệnh viện không có chuyên môn sâu về cột sống”.

Tại Bệnh viện quận 3, có nhiều bệnh nhân tỏ vẻ bực mình khi mang thẻ bảo hiểm y tế đến mà không được khám. Bà Lê Thị Kim Xuyến, 55 tuổi nói: “Tôi đội mưa đưa cháu đi khám bệnh. Thế mà khi vào đến nơi, bảo vệ cho biết tôi phải ngụ tại quận 3 mới được vào khám. Tại sao thủ tục gì mà lằng nhằng quá vậy?”.

Không phải chỉ một mình bà Xuyến mà tại Bệnh viện quận 3 còn rất nhiều bệnh nhân khác đều tỏ vẻ bất ngờ khi mình không được khám bảo hiểm y tế vì không phải là cư dân của quận. Có người vẫn cho rằng mình có thẻ bảo hiểm y tế thì thích khám tại viện nào cũng được.

Bác sĩ khám bệnh thua… ông giữ xe

Một bác sĩ chỉ có thời gian 3 phút cho 1 bệnh nhân khám BHYT do quá tải. Chi trả của BHXH cho bác sĩ khám BHYT là 2.000 đồng/bệnh nhân, trong khi ông bảo vệ giữ xe cũng thu được tới 3.000 đồng/bệnh nhân.

Theo bác sĩ Kim Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện quận 4, BHXH mới chỉ chi trả cho bệnh viện theo quy định của Nhà nước chứ chưa đúng với cơ chế thị trường.

“Bác sĩ chỉ được trả 2.000 đồng mỗi lần khám cho một bệnh nhân BHYT. Số tiền đó không đủ cho phí văn phòng phẩm, phí quản lý… Có lúc quỹ của BHXH rót xuống không kịp, trong thời gian chờ quyết toán, bệnh viện phải lấy quỹ của hành chính sự nghiệp bù vào” – bác sĩ Hùng cho biết.

Về những bệnh nhân xin chuyển lên tuyến trên nhưng không được chấp thuận, bác sĩ Hùng giải thích: chỉ những bệnh mãn tính phải phẫu thuật mới cần chuyển viện lên tuyến trên. Những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống bệnh viện vẫn có thể điều trị được. Nếu có chuyển sang Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thì họ cũng điều trị vậy thôi.

Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân dù bệnh không nặng vẫn xin chuyển viện. Nguyên nhân là do khi chuyển tuyến, họ sẽ được phát thuốc nhiều hơn. Thông thường tại bệnh viện tuyến quận, huyện, một toa thuốc chỉ tương đương 100.000 đồng và không quá 300.000 đồng.

“Một số bệnh thông thường, bệnh viện cơ sở hoàn toàn có khả năng điều trị khỏi nhưng bệnh nhân cứ một mực đòi chuyển đi. Nếu bác sĩ không bằng lòng thì bệnh nhân nặng lời la mắng. Còn nếu viết giấy chuyển viện cho bệnh nhân, chúng tôi cũng bị các bệnh viện tuyến trên trách cứ”, bác sĩ Trần Hữu Nghĩa, Giám đốc Bệnh viện quận 3 nói.

Bệnh viện tuyến quận “ngán” BHYT

Theo bác sĩ Kim Thanh Hùng, sau khi Bộ Y tế quy định bệnh nhân BHYT phải đến khám ở bệnh viện tuyến cơ sở thì tình trạng quá tải nghiêm trọng hơn.

Mỗi ngày, tại đây, các bác sĩ phải khám cho khoảng 700 bệnh nhân BHYT. Vào thứ 2 và thứ 6, lượng người tới khám tăng đến hơn 900. Trong khi đó, bệnh viện thiếu nhân lực, chỉ có 5 bác sĩ thường trực tại bộ phận này.
“Trên thực tế, để khám kỹ và tư vấn đầy đủ cho một bệnh nhân, bác sĩ cần có thời gian là 10 phút. Vì quá đông bệnh nhân nên các bác sĩ cố gắng tránh để sai sót là may rồi, huống chi là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, bác sĩ Hùng nói.

Còn theo bác sĩ Trần Hữu Nghĩa, Giám đốc Bệnh viện quận 3, tình trạng quá tải không phải do bác sĩ mà do thủ tục hành chính rườm rà. Đối với các đơn thuốc quá 100.000 đồng, BHYT sẽ thanh toán 80%, bệnh viện phải thu thêm 20% từ bệnh nhân.  Nếu bệnh nhân làm xét nghiệm chưa quá 100.000 đồng thì nhân viên y tế sẽ phải vào sổ, đóng dấu.

Bác sĩ Trần Dư Đông, Giám đốc Bệnh viện quận 7 cũng nhận định, quy định bệnh nhân phải tới bệnh viện quận, huyện để khám BHYT đã gây quá tải cho bệnh viện. Trước đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện quận 7 khám cho từ 600 đến 700 bệnh nhân BHYT thì nay tăng lên 1/3.

Mỗi ngày, Bệnh viện quận 7 tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân BHYT nhưng cũng chỉ bố trí được 2 phòng khám. Bệnh nhân quá nhiều mà cơ sở vật chất cũng như nhân lực lại chưa đáp ứng được, nên bệnh nhân cứ phải ca điệp khúc phàn nàn về việc phải chờ đợi lâu cũng như bác sĩ khám quá nhanh.

    *
      Thanh Huyền – C.Q

Nguồn Báo VietNamNet,

Comments are closed.