Nghề PR & “chân dài”

Tuấn Anh khi đang học ở Đức - ảnh do nhân vật cung cấp(Tamnhin.net) – Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên PR (Public Relations – quan hệ công chúng) của Công ty cổ phần bảo hiểm hàng không chia sẻ cùng Tầm Nhìn về nghề đang “hot” này.

Chọn lĩnh vực PR, vốn là thế mạnh của các “chân dài”, sao vậy?

Theo tôi, làm nghề PR cần phải sáng tạo, năng động, giầu ý tưởng và giao tiếp tốt. “Chân dài” chỉ là 1 lợi thế rất nhỏ khi làm nghề này.

Không có lợi thế về… chân dài, Tuấn Anh làm sao để tiếp cận và giao lưu cùng đối tác?

Nếu vẻ đẹp hình thức làm nên lợi thế ban đầu thì thấu hiểu những cách thức giao tiếp hiệu quả sẽ là lợi thế về lâu dài. Mà có lẽ không có mối quan hệ nào bền nếu như chỉ gặp có 1 lần.
Tuấn Anh vào nghề này là do ý thích hay do ai giới thiệu hoặc “kích động”?

Một nửa bị kích động một nửa do sở thích. Tất cả bắt đầu khi từ năm thứ 2 đại học khi tôi  đã đọc được những thông tin về công việc này trên các trang web nước ngoài. Chính những thông tin này đã kích động sở thích làm những công việc sáng tạo của tôi. Và đây là lý do tôi bước vào nghề PR.

Và bài học đầu tiên khi bước vào nghề là gì?

Bài học đầu tiên khi bước vào nghề là PR không hề là nghề đầy hào quang. Làm nghề PR rất vất vả, đôi lúc cần sự cẩn thận và cần mẫn như một bà mẹ chăm đàn con mọn, đôi khi lại phải có những ý tưởng phá cách.

Giữa “chiều” sếp của bạn và “chiều” đối tác, cái nào khó hơn?

Câu hỏi của anh làm tôi nghĩ tới chiều “vợ” và chiều “mẹ”. Đối với 1 người đàn ông có lẽ hai người đều quan trọng cả; và chiều cả hai đều khó. Và thật tuyệt vời nếu như làm vừa lòng 2 người cùng 1 lúc.

Vậy có lúc nào bạn phải mang theo những bức xúc của công việc về nhà không?

Tôi nghĩ chuyện mang theo những bức xúc về nhà cũng là mặt trái chung của tất cả các nghề, rất là những nghề chịu sức ép khá nhiều như PR. Thật khó để giữ một nụ cười suốt 24 giờ.

Tuấn Anh sẽ ứng xử thế nào khi gặp một đối tác “khó chịu”? Cứ giả vờ cười rồi mang bức xúc về nhà?

Thật sự tôi chưa gặp một đối tác nào khó chịu quá mức cả. Nhưng nếu lâm vào trường hợp quá “căng thẳng ” này, tôi sẽ chưa về nhà ngay mà tìm một nơi để thoả mãn sở thích của mình. Có thể là mua sách. Chính vì thế sự “bức xúc” mang về nhà không còn “trọn vẹn” nữa. Đây cũng là cách thức tôi dùng để xả căng thẳng 1 mình.

Cảm ơn Tuấn Anh đã chia sẻ!

Yên Lam (thực hiện)

Báo điện tử Tầm Nhìn – http://www.tamnhin.net

Comments are closed.