Vừa qua, Đoàn công tác của Ngành dạy nghề tỉnh Đồng Nai đã có chuyến thăm và làm việc với các trường đào tạo nghề và doanh nghiệp tại Na Uy với sự hỗ trợ của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích của chuyến đi là nhằm tìm hiểu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về một số mô hình đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp tại Na Uy.
Ông Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường TCN khu vực Long Thành – Nhơn Trạch Đồng Nai cho biết: Qua chuyến đi, Đoàn đã có nhiều buổi làm việc với các trường đào tạo nghề và doanh nghiệp ở nước bạn về công tác đào tạo nghề. Qua đó cho thấy, Chính phủ Na Uy có nhiều cải cách về giáo dục – đào tạo, có tác động mạnh mẽ từ những năm 1994 cho đến nay. Đặc biệt, nguồn nhân lực của Na Uy đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 75% GDP, trong khi đó dầu lửa là thế mạnh nhưng chỉ chiếm khoảng 15%. Điều đó cho thấy, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là quan hệ mật thiết và không thể thiếu, mối quan hệ các bên (Doanh nghiệp, người lao động và nhà trường) được Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp với mức 12.000 Euro cho 2 năm học thực tập ở doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp hỗ trợ ở mức 40% lương cơ bản ở năm đầu, và 60% ở năm thứ hai. Tại Na Uy, có 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu nhập bình quân đầu người khoảng 58.600 USD/năm. Các doanh nghiệp rất cần lực lượng lao động kỹ thuật, họ đòi hỏi lao động phải có tinh thần làm việc hợp tác, thái độ chuyên nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp tốt.
Ông Asbjom Rosseth, Giám đốc Dự án tại Việt Nam của Tổ chức Giới chủ (NHO) Na Uy và bà Tori Tveit, Trưởng Văn phòng NHO Trung ương cho biết: Hệ thống giáo dục- dạy nghề của Na Uy đang sử dụng mô hình 2+2, tức là 2 năm học ở trường và 2 năm học thực tế tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực tập không nhất thiết phải là 2 năm cuối cùng mà do doanh nghiệp và nhà trường lập kế hoạch đan xen trong quá trình 4 năm học. Hiện có gần 90% thanh niên vào học trường nghề (trường trung học –Secondary School) khi bước qua 15 -16 tuổi. Sau khi học nghề xong, học sinh có thể tiếp tục học đại học (với việc học bổ sung một số môn khoa học chung như toán, vật lý, địa lý . . .).
Hiện nay, ở Na Uy vẫn có tình trạng học sinh bỏ học để đi làm vì dễ tìm việc làm, tuy nhiên Chính phủ chỉ hỗ trợ kinh phí đào tạo cho thanh niên trong vòng 5 năm trở lại, nếu quá 5 năm thì không được hỗ trợ kinh phí. Cách làm này đã khuyến khích thanh niên trở lại trường đào tạo và tạo ra nhiều lao động có tay nghề cho xã hội.
Giới chủ (NHO) của Na Uy có Văn phòng đào tạo-Training Office, là bộ phận thường trực để giải quyết các vấn đề do các doanh nghiệp và trường yêu cầu, ngoài kinh phí của Chính phủ (12.000 Euro/2 năm), các doanh nghiệp thành viên hàng năm đóng góp 200 Euro/1 doanh nghiệp (kể cả không có nhu cầu đào tạo).
Mỗi năm NHO địa phương và doanh nghiệp cùng với trường tổ chức khoảng 6-8 lần gặp mặt, trong các buổi gặp đều có chương trình và mục tiêu tập trung vào chất lượng đào tạo. Khi doanh nghiệp nhận học sinh thực tập, doanh nghiệp cử người hướng dẫn và có sổ hướng dẫn (hình thức như nhật ký học tập-hay học bạ) ghi chi tiết nội dung học và mức độ đạt được của người học, cho đến khi có thể thi lấy bằng/chứng chỉ mới xác nhận để được dự thi. Tiền lương của người lao động khi có bằng sẽ là 100% thay vì 60% khi thực tập.
Thực tập sinh và doanh nghiệp cũng như nhà trường xây dựng kế hoạch làm việc (Work Plan) cho thực tập sinh, trong đó chú trọng các kỹ năng làm việc nhóm, tất cả các kỹ năng chuyên môn từ đơn giản đến phức tạp và trọn vẹn cho 01 nghề. Hàng tuần người phụ trách đào tạo của Công ty và nhà trường sẽ gặp thực tập sinh khoảng 20 phút để hỏi về những khó khăn và đề nghị của thực tập sinh. Điều này thể hiện sự quan tâm đến người học.
Ông Lê Anh Đức cũng chia sẽ: Từ những bài học kinh nghiệm sau chuyến đi này, trường sẽ tham khảo và có đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới. Trước mắt Trường TCN khu vực Long Thành-Nhơn Trạch có thể thực hiện những nội dung: Xây dựng kế hoạch đào tạo linh hoạt, trong đó thời gian thực tập tại doanh nghiệp cũng được thiết kế phù hợp, có thể đan xen sau mỗi mô đun (không nhất thiết đến cuối khoá học mới thực tập); Cùng với doanh nghiệp xây dựng bộ hồ sơ thực tập cho học sinh, đồng thời xây dựng kế hoạch thực tập dưới dạng Work Plan nhằm hỗ trợ cho người học với yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc theo chuẩn công nghiệp.
Ngoài ra, Nhà trường cũng tranh thủ sự hỗ trợ của VCCI tại TPHCM để kết nối với NHO tham khảo các Chương trình đào tạo (nghề chăm sóc sức khoẻ và dịch vụ xã hội, nghề nấu ăn và khách sạn, truyền thông, điện tử . . .). Tham khảo các biểu mẫu xây dựng kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp, kế hoạch thực tập của học sinh . . . từ đó tiếp thu và áp dụng phù hợp. Mặt khác, trường cũng sẽ tăng cường thông tin cho doanh nghiệp và người học nghề (nâng cấp trang web của trường, tờ rơi, tổ chức toạ đàm, khảo sát doanh nghiệp), đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý các chuyên đề ngoại ngữ, chuyên môn, tiến tới đề nghị hỗ trợ giáo viên đi tập huấn ngắn hạn tại các trường của Na Uy./.
Hoàng Cảnh.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Comments are closed.