
Tăng trưởng cao
Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2008, toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt doanh thu 8.020 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2007. Vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Bảo Việt, với 2.431 tỷ đồng, tiếp đó là PVI 1.663 tỷ đồng, Bảo Minh 1.612 tỷ đồng, PJICO 737 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới 2.391 tỷ đồng (29,8%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm của chủ tàu 907 tỷ đồng (11,3%).
Trong 9 tháng, toàn thị trường đã giải quyết bồi thường 3.018 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường là 37%. 3 nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất là bảo hiểm xe cơ giới 51,6%, bảo hiểm con người 47%, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm của chủ tàu 42%. 3 DN có tỷ lệ bồi thường cao là Bảo Long 51,2%, Bảo Minh 45%, Bảo Việt 42%.
Một sản phẩm mới là bảo hiểm rủi ro tài chính đạt doanh thu 7 tỷ đồng, tăng 54,54% so với cùng kỳ năm 2007; dẫn đầu là MIC với 4,2 tỷ đồng, AAA 909 triệu đồng, Bảo Minh 680 triệu đồng và AIG Việt Nam 529 triệu đồng. Bảo hiểm nông nghiệp đạt doanh thu 913 triệu đồng, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2007.
Về bảo hiểm phi nhân thọ, trước việc các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động trong thời gian dài, không ít khách hàng đã chấm dứt hợp đồng bảo biểm trước hạn. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2008, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ vẫn đạt 7.514 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2007. Dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu phí là Prudential với 3.102 tỷ đồng, tiếp đến là Bảo Việt với 2.503 tỷ đồng, Manulife 776 tỷ đồng.
Đáng chú ý là doanh thu phí khai thác mới của các sản phẩm bảo hiểm đạt 1.475 tỷ đồng (trong đó sản phẩm bổ trợ là 68 tỷ đồng), tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2007. Các sản phẩm hỗn hợp vẫn được ưa chuộng với doanh thu gần 897 tỷ đồng.
Số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới trong 9 tháng đầu năm là 888.728 hợp đồng (trong đó sản phẩm chính là 401.182 hợp đồng), giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số hợp đồng có hiệu lực đến hết tháng 9/2008 là 7.498.726 hợp đồng, tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước (sản phẩm chính là 3.802.022 hợp đồng, tăng 2% với so với cùng kỳ năm trước). Dẫn đầu là Bảo Việt nhân thọ với 3.248.063 hợp đồng (trong đó có 1.534.219 hợp đồng chính), tiếp đến là Prudential với 3.008.627 hợp đồng (1.569.933 hợp đồng chính), AIG Life 472.055 hợp đồng (240.124 hợp đồng chính).
Thách thức không nhỏ
Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) cho biết, tình hình kinh tế năm nay có nhiều khó khăn do việc thắt chặt tín dụng gây ra. Một số DN đã ký hợp đồng bảo hiểm, nhưng đôi khi nợ tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, PVI vẫn đạt được kế hoạch đề ra do chủ động lên kế hoạch kinh doanh. Năm nay, PVI phấn đấu đạt doanh thu 2.600 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2007), lợi nhuận 330 tỷ đồng (tăng 32% so với năm 2007).
Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, do nền kinh tế có những biến động nên nhu cầu bảo hiểm càng tăng cao. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tương đối thấp, 6,5% cho năm 2009 vừa được Quốc hội thông qua, ngành bảo hiểm đang đứng trước thách thức duy trì mục tiêu tăng trưởng.
Mặc dù sản phẩm bảo hiểm tăng mạnh, đến nay đã có gần 1.000 sản phẩm, trong đó có những sản phẩm cho các ngành quan trọng như dầu khí, hàng không, đóng tàu, xây dựng cầu đường… đã gián tiếp tăng cường vốn đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước vào lĩnh vực bảo hiểm, nhưng việc cạnh tranh không tập trung vào nâng cấp chất lượng dịch vụ, mà chủ yếu là hạ phí kỹ thuật, trong khi đối tượng bảo hiểm, mức độ rủi ro hay dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa được quan tâm đúng mức khiến thị trường bảo hiểm có thể gặp khó khăn trong thời gian tới, nhất là khi thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp diễn cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm.
Thực tế, trong nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu, nhiều con tàu, đội tàu sau 5 năm tỷ lệ phí chỉ còn khoảng 30%. Theo thống kê của Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR), bảo hiểm thân tàu biển từ năm 2001 đến năm 2007 tổn thất phải bồi thường vượt trên 100% doanh thu. Chất lượng tàu đa số là tàu già hoặc tàu cũ được hoán cải hoặc tàu mới nhưng lắp máy móc, thiết bị Trung Quốc nên chất lượng không cao.
Bên cạnh đó là việc giải quyết bồi thường cho khách hàng còn vướng mắc, thủ tục, hồ sơ bồi thường còn rườm rà, chưa tinh gọn, đơn giản… khiến nhiều người ngại mua bảo hiểm.
Theo Sanotc.com
Comments are closed.