Việt Nam gia nhập WTO đã được gần 2 năm, trong đó việc thực hiện cam kết trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đang được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận là đáng lo ngại nhất. Bởi, mở cửa hội nhập thị trường bảo hiểm và tự do hóa thương mại dịch bụ bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế sẽ gây biến động cho thị trường bảo hiểm Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
Cuộc cạnh tranh không cân sức
Theo cách phân loại của WTO thì bảo hiểm là một trong số ba phân ngành lớn của dịch vụ tài chính. Bảo hiểm là một trong những lĩnh vực nhậy cảm của nền kinh tế xã hội, cho nên trong quá trình mở của và hội nhập, bảo hiểm là lĩnh vực mà các nước công nghiệp phát triển luôn chiếm ưu thế tuyệt đối và rất lợi thế trong cạnh tranh. Cũng do tính chất nhạy cảm của thị trường bảo hiểm cho nên đây cũng chính là lĩnh vực tranh cãi và có sức ép rất lớn trong quá trình đàm phán, thương lượng gia nhập WTO va ký kết các thỏa thuận song phương cũng như đa phương.
Theo ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là việc các DNBH hoạt động ở nước ngoài được cung cấp một số sản phẩm bảo hiểm qua biên giới vào VN. Đây là điều đáng lo ngại trong cuộc cạnh tranh không cân sức đối với các DNBH đang hoạt động tại VN (DNVN, liên doanh, 100% vốn nước ngoài PV). Bởi, trước hết, họ không thể biết được thông tin về đối thủ cạnh tranh của họ (DNBH đang hoạt động ở nước ngoài PV) cụ thể là ai đang bán sản phẩm bảo hiểm vào VN. Thứ hai, vũ khí của đối thủ đang sử dụng là loại gì không được biết rõ: Đơn BH, điều khoản BH, điều kiện bảo hiểm, phí bảo hiểm như thế nào? Thứ ba, DNBH đang hoạt động tại VN phải đóng thuế cho ngân sách nhà nước như thế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế sử dụng đất… để hoạt động kinh doanh có doanh thu từ VN, trong khi đó đối thủ không bị đóng góp những khoảng thuế trên. Rõ ràng đây là một bài toán không hề đơn giản khi DNBH ở nước ngoài biết rất rõ DNBH đang hoạt động tại VN, song DNBH đang hoạt động ở VN lại không biết gì về DNBH hoạt động ở nước ngoài đang ngấm ngầm cùng chia chiếc bánh thị trường BHVN. “Câu nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” sẽ thực sự thích hợp trong câu chuyện này”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cùng đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Văn Định, Trưởng bộ môn Kinh tế bảo hiểm, ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định: Số lượng các DNBH hoạt động trên thị trường ngày một tăng sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với tất cả các DNBH, đặc biệt là các DNBH trong nước. Bởi lẽ, các DNBH VN với nguồn vốn và kinh nghiệm còn hạn chế, cộng với nguồn nhân lực yếu kém, cơ cấu bộ máy tổ chức non và đặc biệt là tình trạng trục lợi bảo hiểm ở VN diễn ra khá phổ biến, phức tạp… Vì vậy, nếu không tự vươn lên được sẽ bị thôn tính, áp đảo và các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh sẽ rất khó kiểm soát.
“Biết người, biết ta”… chưa đủ!
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Định, điều quan trọng của các DNBH trong nước hiện nay là cần phải nâng cao năng lực tài chính bằng những biện pháp và bước đi thích hợp. Đây là một bài toán rất khó đối với các doanh nghiệp VN. Song đây lại là một vấn đề tất yếu trong kinh doanh bảo hiểm. Nếu không, các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ sẽ rất dễ bị thâu tóm hoặc bị đẩy ra khỏi thị trường hoặc chỉ giữ lại cho mình một phần doanh thu phí bảo hiểm rất nhỏ (chẳng hạn, ở Inđônêsia 79 trong số 104 công ty bảo hiểm hoạt động trên thị trường chỉ chiếm chưa đầy 1% thị phần bảo hiểm). Vậy giải pháp này phải thực hiện thế nào? Kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước đang phát triển mà các DNBH VN cần xem xét, nghiên cứu là: Liên kết với ngân hàng để hình thành và phát triển Bancasurance (sự kết hợp giữa ngân hàng và bảo hiểm PV) ở VN. Hoặc góp vốn để thành cổ đông trong các tập đoàn tài chính hoặc tập đoàn công nghiệp tài chính, nhưng vẫn là hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Có ý kiến cho rằng: Trước mắt chúng ta cần phải xây dựng một hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn thành lập DNBH và hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đây sẽ là một sự sàng lọc cần thiết hợp lý, không vi phạm WTO, nhằm lựa chọn tốt nhất các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước có nguyện vọng thành lập DNBH hoạt động tại VN lâu dài và đóng góp cho sự phát triển thị trường bảo hiểm. Bên cạnh đó, cũng nên hình thành một bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đủ mạnh để thực hiện việc hậu kiểm đạt kết quả cao, mà cụ thể là Vụ Quản lý bảo hiểm của Bộ Tài chính nên nâng cấp thành Cục Quản lý Bảo hiểm. Và đặc biệt, cần có sự biến đổi về chất của các DNBH nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với mô hình phát triển DNBH theo chuẩn mực quốc tê.
Theo Báo Đời sống và Pháp Luật
Comments are closed.