Ngân hàng trước giờ mở cửa: “Ngoại nhìn vào, nội ngó ra”(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Càng gần đến ngày ngành ngân hàng trong nước “nới rộng cánh cửa” cho các ngân hàng nước ngoài theo cam kết WTO, càng có nhiều ngân hàng nước ngoài “bước chân” vào thị trường Việt Nam. Trùng hợp là, trong thời gian này, nhiều ngân hàng trong nước cũng xúc tiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Ngày 17/11, Ngân hàng DBS thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất châu Á, DBS Holdings Ltd, có trụ sở tại Singapore đã khai trương Chi nhánh TP. HCM sau khi đã có văn phòng đại diện ở Hà Nội từ năm 2008. Dự kiến, cuối năm 2010, Ngân hàng Hong Leong thuộc tập đoàn kinh tế hàng đầu Malaysia, Hong Leong, sẽ khai trương Chi nhánh Hà Nội sau khi được cấp Giấy phép thành lập ngân hàng TNHH một thành viên 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam với chi nhánh đầu tiên ở TP. HCM năm 2009.

Báo cáo mới nhất về Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, tầng lớp trung lưu tại khu vực châu Á  ngày càng gia tăng, đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á.

Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHTMCP Dầu khí toàn cầu nhận định, không chỉ các ngân hàng châu Âu, mà các ngân hàng hàng đầu khu vực cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam, chứng tỏ họ đã “để mắt” tới thị trường tiềm năng gần 90 triệu dân nhưng mới chỉ có 20% dân số biết đến dịch vụ ngân hàng và 10% sử dụng dịch vụ một cách thành thạo.

Với các ngân hàng nội địa, vấn đề không phải là “ngồi nhìn” và “quan ngại”, mà phải hành động ngay. Cần xem lại đâu là thế mạnh và đâu là mặt hạn chế; điều hành, quản lý rủi ro phải “bài bản” hơn rất nhiều so với trước.

Bên cạnh đó, một chiến lược hợp lý là lợi dụng chính sự hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng để tận dụng ưu thế của các ngân hàng nước ngoài cũng như thị trường nước ngoài.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, Liên minh châu Âu (EU) với trên 500 triệu dân là một thị trường tiềm năng, hứa hẹn nhiều triển vọng hợp tác cho tất cả các nước có quan hệ kinh tế – thương mại. Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, trên cơ sở các hiệp định hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các ngân hàng thành viên EU như Hiệp định khung về hợp tác tài chính với Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, Hiệp định khung về hợp tác tài chính với Ngân hàng Đầu tư châu Âu, các thỏa thuận giữa một số ngân hàng thương mại…, cần mở rộng quan hệ giao dịch qua ngân hàng bằng các giải pháp đồng bộ để cung cấp các dịch vụ tin cậy, chất lượng cao cho hoạt động thương mại giữa hai bên.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng trong nước cũng bắt đầu “thực tập” đầu tư ra nước ngoài tại các thị trường “mềm” hơn về cạnh tranh như Lào, Campuchia và một số nước trong khu vực Đông Nam Á khác.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã hoàn thành cú “đúp” khi vừa mở văn phòng đại diện, vừa “mua đứt” một ngân hàng tư nhân tại Campuchia và lấy tên là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) năm 2009.

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV chia sẻ, BIDV không những mở rộng thị trường tại Lào, Campuchia, Myanmar, mà thời gian tới sẽ mở rộng thị trường sang Nga, Đức và các nước Đông Âu.

Cũng trong năm 2009, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thành lập chi nhánh tại Campuchia và Lào. Sacombank đang tiến xa hơn với việc hoàn tất hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng con 100% vốn trực thuộc Tập đoàn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã khai trương chi nhánh đầu tiên tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia cuối tháng 6/2010. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sẽ mở văn phòng đại diện tại Lào trong thời gian tới.

Hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có lĩnh vực ngân hàng là xu hướng tất yếu, vừa mang lại cơ hội, vừa tạo ra nhiều thách thức. Cơ hội là kinh nghiệm và thị trường, thách thức là cạnh tranh. Việc các ngân hàng trong nước tới thời điểm này mới xúc tiến các hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài là không sớm, nhưng muộn còn hơn không.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.