(ĐTCK-online) Tăng trưởng dư nợ tín dụng trong quý IV sẽ khó đạt được mức kỳ vọng của các ngân hàng do mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo chiều hướng đi lên của lãi suất tiền gửi kể từ tuần thứ 2 của tháng 11/2010. Vì thế, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay, dù đã được tính toán khá kỹ và ở mức tương đối “khiêm tốn”, song không ít ngân hàng khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm.
Gặp khó vì lực cản lãi suất
Tưởng chừng có thể phấn đấu để đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra ở mức "khiêm tốn" cho năm 2010, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ chạy đua tăng trưởng dư nợ trong quý còn lại của năm. Thế nhưng, với làn sóng lãi suất tăng trong 2 tuần giữa của tháng 11, không ít ngân hàng đã phải tính đến việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận. Nguyên nhân chính là do chi phí đầu vào gia tăng, trong khi tín dụng khó mở rộng, dù đây được xem là mùa kinh doanh cao điểm nhất trong năm.
Với mặt bằng lãi suất huy động (cộng cả lãi suất tặng thêm và khuyến mãi) bình quân hiện nay khoảng 12 – 14%/năm thì lãi suất cho vay được các nhà băng áp dụng từ 17 – 19%/năm mới có lãi. Thế nhưng, khi áp dụng mức lãi suất trên, khách hàng không còn mặn mà tiếp cận vốn vay của ngân hàng.
Từ đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng sụt giảm, trong khi năm 2010, nguồn thu lớn nhất đóng góp vào tổng lợi nhuận được các ngân hàng kỳ vọng chính là từ tín dụng. Lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết, ngân hàng khó hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng và chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại VietA Bank, ban đầu, ngân hàng này đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 498 tỷ đồng, tăng đến 82% so với mức thu về của cả năm trước (270 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau gần 3 quý hoạt động đầu năm, VietA Bank đã phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xuống còn khoảng 300 – 350 tỷ đồng.
Lãi suất tiền gửi được VietA Bank áp dụng cao nhất hiện là 14,5%/năm cho kỳ hạn 13 – 36 tháng. Các kỳ hạn còn lại từ 1 – 13 tháng, lãi suất dao động từ 13,5 – 14,3%/năm. Vì thế, lãi suất đầu ra của Ngân hàng này không dưới mức 17 – 18%/năm nên tăng trưởng dư nợ tín dụng của VietA Bank sẽ không dễ như trước đây.
Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc VietA Bank cho biết, dư nợ tín dụng của Ngân hàng vẫn chậm. Tuy từ chối công bố lợi nhuận đạt được 3 quý đầu năm, nhưng ông Hưng thừa nhận, nếu tình hình cho vay như hiện nay và chi phí đầu vào tăng, Ngân hàng sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.
Ông Lê Huy Dũng, Tổng giám đốc DaiA Bank đồng quan điểm trên. Ông Dũng cho biết, để tăng tốc trong những tháng còn lại của năm 2010, DaiA Bank đưa ra chương trình "người bán hàng xuất sắc" và giao chỉ tiêu thực hiện cho các chi nhánh. Ngân hàng kỳ vọng sẽ hoàn thành/vượt 75% chỉ tiêu số dư huy động; 110% kế hoạch chỉ tiêu dư nợ đã giao đầu năm. Song trước bối cảnh hiện nay, chỉ tiêu trên không dễ đạt được.
Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng trong 10 tháng qua cũng sụt giảm. Ngay cả các ngân hàng lớn như Vietcombank, ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank… cũng không tránh khỏi vòng xoáy này khi thị trường vàng và tỷ giá biến động mạnh, nhưng hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và sàn giao dịch vàng phải đóng cửa.
Áp lực tăng dần với chỉ tiêu
Không chỉ chịu áp lực về chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2010 mà trước sức ép tăng vốn điều lệ theo lộ trình lên 3.000 tỷ đồng trong năm nay, không ít nhà băng còn lo ngại cho cả việc xây dựng kế hoạch của năm tới. Vì thế, có nhà băng không muốn công bố lợi nhuận trong những tháng cuối năm 2010 và một phần được "để dành" cho năm tới.
Chẳng hạn, một ngân hàng quy mô vừa, có trụ sở trên địa bàn TP. HCM, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho cả năm nay trên dưới 700 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm trước, 3 quý đầu năm nay, ngân hàng trên đạt xấp xỉ 550 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gần về đích so với chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho cả năm 2010. Tuy vậy, nhà băng này không muốn công bố lợi nhuận của tháng 10 và cho biết, kết quả hoạt động những tháng còn lại của năm cũng sẽ không công khai. Bởi ngân hàng muốn cân đối để đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm sau khi vốn điều lệ tăng.
HDBank vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức đợt một năm 2010 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Dự kiến, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2010 có thể lên đến 13%. Tuy nhiên, nếu so với mức vốn điều lệ tính đến tháng 10/2010 ở mức 1.550 tỷ đồng thì chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng đặt cho cho năm nay như trên là tương đối "khiêm tốn". Mặt khác, mức vốn điều lệ đang dần tăng lên gấp đôi (đạt 3.100 tỷ đồng) vào cuối năm nay, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, sẽ là áp lực lớn cho Ngân hàng trong hoạt động của năm 2010.
Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, lợi nhuận OceanBank đạt 612 tỷ đồng; tổng huy động đạt 46.332 tỷ đồng; tổng dư nợ của OceanBank đạt 15.682 tỷ đồng. Mặc dù so với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, đến nay, OCeanBank đã hoàn thành, nhưng với mức vốn điều lệ tăng lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm và dự kiến lên 5.000 tỷ đồng đầu năm tới thì việc đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 cũng là bài toán còn phải tính toán kỹ, nhằm tránh áp lực mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Khác với trước, vấn đề được nhà đầu tư quan tâm khi có ý định đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng là cổ tức. Song áp lực lợi nhuận sẽ gia tăng tương ứng với tốc độ tăng vốn điều lệ khiến các nhà điều hành ngân hàng tỏ ra lo ngại. Đặc biệt là trước bối cảnh thị trường năm 2010 không thuận lợi và được dự báo còn kéo dài sang cả năm sau.
Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Comments are closed.