Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm Việt Nam nhất thiết phải đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh, nhất là khi cánh cửa hội nhập đang trước mắt. Tuy nhiên, không nên đầu tư nhảy vọt mà hãy đầu tư dần, có chọn lọc và có chiến lược, kế hoạch cụ thể.
Bên lề hội thảo và triển lãm Vietnam ICT in Finance 2006, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Abhijit Banerjee, Phó chủ tịch Tập đoàn 3i Infotech (Singapore), xung quanh câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.
Việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chắc chắn sẽ đem lại rất nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn. Theo ông, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, những thách thức đó là gì?
Mặc dù yếu tố ứng dụng công nghệ thông tin không có vai trò quyết định đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp, song theo tôi, trong thời đại thông tin, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh không tốt chắc chắn sẽ kéo lùi doanh nghiệp lại so với đối thủ. Đây có thể là yếu tố gián tiếp khiến doanh nghiệp thất bại trên thương trường. Trong thời gian tới khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều công ty nước ngoài sẽ vào Việt Nam và các công ty nội địa sẽ đứng trước sự cạnh tranh rất gay gắt trong khoảng thời gian trước mắt. Những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp trong nước vấp phải chính là sự thua kém về công nghệ, trình độ kỹ thuật và cả kinh nghiệm nữa. Do đó, để các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh lại được thì đương nhiên doanh nghiệp phải có chiến lược và dự án phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể, rõ ràng. Và để tăng tốc trong cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ phải giảm thời gian trong các cuộc trao đổi và tăng khả năng dịch vụ lên, đồng thời phải có hệ thống công nghệ thông tin rõ ràng và các lãnh đạo điều hành phải đổi mới tư duy, đầu tư bài bản.
Ông đánh giá thế nào về trình độ quản trị của các lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) Việt Nam?
Chúng tôi thấy các CIO đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, “bôi trơn” cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau một năm gián tiếp tham gia thị trường Việt Nam thông qua các doanh nghiệp và đại lý (hiện 3i Infotech chưa có văn phòng tại Việt Nam), tôi nghĩ rằng các CIO cần tăng tốc lên để có thể cạnh tranh được. Theo tôi, để đầu tư vào tin học, các nhà điều hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm cần tập trung vào hai yếu tố: Một là yếu tố nội lực như quy mô đầu tư, khả năng tài chính, kỹ thuật trong công ty như thế nào. Hai là yếu tố ngoại lực, cụ thể là những giải pháp nào? do ai cung cấp? và những điểm mạnh cũng như khả năng tài chính của người cung cấp giải pháp.
Là đại diện của một nhà cung cấp các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp, theo ông, các doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ thông tin ở mức độ nào?
Hiện tại thị trường Internet Việt Nam đang phát triển rất nhanh và tiềm năng với trên 12 triệu người truy nhập, chiếm 15% dân số. Tuy nhiên, người sử dụng ngày càng đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao. Sau khi triển khai trên 33 quốc gia, bài học đầu tiên mà chúng tôi rút ra được là những người làm kinh doanh bảo hiểm nên dành việc cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin cho những người làm công nghệ thông tin. Lời khuyên thứ hai là việc đầu tư công nghệ thông tin không nên theo hướng đầu tư nhảy vọt mà nên đầu tư từ từ và có chọn lọc, kế hoạch cụ thể. Hệ thống công nghệ thông tin cần phải tích hợp và phải là một quy trình xuyên suốt trong tất cả hoạt động của doanh nghiệp. Khi tất cả các thông tin và quy trình kinh doanh kết nối được tất cả các khâu khai thác thì lãnh đạo công ty phải có khả năng có được thông tin một cách nhanh nhất để đưa ra biện pháp kinh doanh hợp lý. Bởi lẽ, kỹ thuật là phương tiện phục vụ kinh doanh chứ không quyết định khả năng kinh doanh. Yếu tố cuối cùng, đừng đưa yếu tố giá cả lên hàng đầu mà hãy tập trung vào khả năng cung cấp dịch vụ, khả năng hỗ trợ lâu dài và khả năng tài chính của người cung cấp dịch vụ, quan trọng là phương pháp kỹ thuật của hệ thống.
Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, theo ông, nó đã đủ điều kiện ứng dụng các công nghệ thông tin mới và hiện đại chưa?
Hịên tại, phần cơ sở hạ tầng còn hạn chế nhưng với ưu thế là nước có dân số trẻ thì nhu cầu sử dụng Internet càng tăng nên các công nghệ phục vụ cho các yêu cầu hoạt động bảo hiểm qua ngân hàng, bán bảo hiểm qua mạng sẽ rất cần thiết trong tương lai. Tốc độ của việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đưa sản phẩm mới và sáng tạo cho thị trường là yếu tố chủ đạo để cạnh tranh. Công nghệ thông tin cần phải có khả năng để đưa các sản phẩm mới ra thị trường một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, cần phải mở rộng kênh đại lý và mạng lưới bán hàng ngoài kênh truyền thống như đại lý, môi giới và tìm đến các kênh mới như qua ngân hàng, qua doanh nghiệp khác đồng thời đầu tư vào công nghệ thông tin của chính các kênh bán hàng đó. Việc đầu tư vào công nghệ thông tin phải đảm bảo có thể hoàn vốn, lợi nhuận trong thời gian ngắn nhất, giảm phí tổn hoạt động kinh doanh của công ty.
Xin cảm ơn ông
Comments are closed.