Nếu tính thêm Vinashin, nợ xấu ngân hàng tăng 0,7%(webbaohiem)

Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến cuối năm 2010 vào khoảng 2,5%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết tại phiên giải trình về lãi suất do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 25/12.

Thống đốc cũng cho biết, toàn bộ dư nợ của hệ thống ngân hàng đối với Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinshin) chỉ dưới 26 nghìn tỷ đồng và hiện đang cơ cấu lại 16 nghìn tỷ đồng.

 

Số này chưa đưa vào nợ xấu, và nếu tính vào cũng chỉ tăng 0,7%, ông Giàu giải thích thêm.

 

Tăng trưởng tín dụng 27,65%

 

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu tiền tệ năm 2010 cơ bản phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo an toàn hệ thống và phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

 

Cụ thể, lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông khoảng 75% chỉ tiêu được Thủ tướng phê duyệt. Tổng phương tiện thanh toán tăng 23% (đã loại trừ hư số tăng của tỷ giá và giá vàng). Tiền mặt trong lưu thông tăng khoảng 15%, tỷ trọng tiền mặt lưu thông so với tổng phương tiện thanh toán khoảng 14%.

 

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết tín dụng tăng 27,65% (đã loại trừ hư số tăng của tỷ giá vàng), tín dụng bằng VND tăng 25,34%, bằng ngoại tệ tăng 37,76%.

 

Cũng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động VND có chênh lệch mức dương thấp so với lạm phát, kém hấp dẫn so với lãi suất USD và có nhiều nhân tố gây sức ép tăng: lãi suất thực dương hiện nay khoảng 1,47% năm, thấp hơn các năm gần đây (2009 1,91%/năm; 2006 là 2,23%/năm).

 

Tháng 11 và 12 cung vốn giảm do tốc độ tăng tín dụng lớn hơn huy động vốn, quan hệ giữa lãi suất VND – tốc độ tăng của tỷ giá – lãi suất USD có chênh lệch âm (- 2,38%), khác với các năm gần đây (2005: 3,79%/năm; 2006: 2,87%/năm; 2007 là 4,06%/năm): thanh khoản trên thị trường nội tệ liên ngân hàng không dồi dào, lãi suất vẫn có sức ép tăng; các ngân hàng thương mại có nhu cầu lớn huy động vốn dài hạn nhưng thị trường tiền tệ chưa ổn định, người gửi tiền ít gửi kỳ hạn dài (trên 3 tháng) làm cho các tổ chức tín dụng phải ấn định lãi suất huy động ở mức cao để tăng khả năng huy động vốn.

 

Kiềm chế lạm phát 6 tháng đầu năm 2011 dưới 3,5%

 

Về các giải pháp ổn định thị trường tiền tệ năm 2011, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất ngay từ những tháng đầu năm (6 tháng đầu năm dưới 3,5%) để phấn đấu đạt mục tiêu lạm phát cả năm không quá 7% là điều kiện cơ bản để ổn định và giảm dần lãi suất thị trường.

 

Giải pháp tiếp theo được nhấn mạnh là các tổ chức tín dụng tiếp tục ấn định lãi suất huy động vốn theo mức “trần” 14%/năm và giảm dần theo xu hướng lạm phát, điều hành linh hoạt các mức lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước, hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh giải pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, giá vàng biến động phù hợp với giá vàng thế giới và không có biến động đột biến, kiểm soát tỷ giá biến động thấp hơn mức lạm phát kỳ vọng; tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng cung ngoại tệ, giảm cầu ngoại tệ như trong năm 2010, đi đôi với chống đầu cơ và găm giữ ngoại tệ.

 

Bên cạnh các giải pháp tiếp theo là đảm bảo cung cầu vốn thị trường, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh của từng tổ chức tín dụng…, giải pháp cuối cùng là nâng cao tần suất và chất lượng công tác truyền thông của các cơ quan Chính phủ. Nhất là về chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại để tạo tâm lý tốt cho công chúng đồng thuận với các chính sách kinh tế của Nhà nước

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.