Nét mới trong dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Chi Lăng

Với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhiều năm qua, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã được các cấp, các ngành của tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm. Thực tế chứng minh giải quyết việc làm chỉ hiệu quả, bền vững khi có sự tham gia của dạy nghề. Chính vậy, “Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Chính phủ ra đời sẽ tạo cơ hội cho bà con vùng nông thôn. Tỉnh Lạng Sơn đã chỉ định huyện Chi Lăng làm thí điểm đề án này.

Ông Nguyễn Hữu Thượng, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Chi Lăng cho biết, người lao động khi tham gia học nghề, ngoài được hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn, tiền đi lại và sau khi kết thúc còn được giới thiệu việc làm hoặc nếu có nhu cầu sẽ được ưu tiên cho vay vốn để tự tạo việc làm. Qua một thời gian thực hiện thí điểm đề án, nhận thấy, đây chính là cơ hội quan trọng để địa phương mở rộng khả năng, hiệu quả cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, bước đầu huyện thực hiện điều tra nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn trên địa bàn huyện, kết quả, còn khoảng 45% người lao động muốn học nghề thường xuyên dưới 3 tháng, phần còn lại muốn học nghề ở trình độ sơ cấp… Về nhóm ngành nghề, phần lớn muốn học nghề nông – lâm nghiệp, phần rất nhỏ muốn học nghề công nghiệp, và khoảng 20% người lao động trong vùng muốn học nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Những con số nêu trên khẳng định, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn huyện Chi Lăng là rất lớn, tuy nhiên, công tác dạy nghề của địa phương hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này. Số lượng người có nhu cầu học nghề đã đăng ký được khoảng 1.000 người/năm, tuy vậy, trung tâm dạy nghề của huyện chỉ có khả năng đào tạo 600 học viên/năm, số còn lại thường phải dồn sang năm sau.

Ông Thượng cho biết thêm, việc dạy nghề trong thời điểm hiện nay là phải xác định dạy nghề gì để để người lao động học xong là có việc làm, có thu nhập ngay, không để tình trạng người lao động học nghề mà không có định hướng, học xong không biết tìm việc ở đâu. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục điều tra, tư vấn cho người lao động, địa phương sẽ liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để vừa dạy, vừa tìm đầu ra cho người học. Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động hộ nghèo sẽ tuân thủ nguyên tắc bám sát điều kiện cụ thể tại địa bàn cư trú của người học chứ không dạy chung chung theo chỉ tiêu, cụ thể là đã tổ chức được các lớp dạy trồng cây công nghiệp ngắn ngày,chăn nuôi gia súc, sửa chữa xe máy, máy công nghiệp. Đặc biệt, các cán bộ trung tâm dạy nghề của huyện đã nghiên cứu kỹ đặc thù của mỗi xã để định hướng đào tạo nghề, ví dụ như những xã có nhiều diện tích đồi núi đất thì dạy nghề trồng rừng, chăn nuôi, còn những xã có diện tích núi đá thì đào tạo nghề trồng cây ăn quả… Chính vậy, hiệu quả sau khi được đào tạo đã thấy rõ, sản phẩm người nông dân làm ra đã cho năng suất hơn.

     

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.