Nên coi phí bảo hiểm là khoản đầu tư(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Từ trước tới nay, không phải chỉ ở Việt Nam mà cả ở những nước phát triển, bảo hiểm được coi là một dịch vụ tài chính, các khoản phí bảo hiểm được các tổ chức sản xuất – kinh doanh mua bảo hiểm xác định là một khoản chi phí trong giá thành sản phẩm.

Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, bảo hiểm thương mại hay bảo hiểm rủi ro đối với con người, tài sản hay trách nhiệm giúp các tổ chức, đơn vị hay tập thể có thể kế hoạch hóa được ngay từ đầu năm các khoản chi nhằm đối phó với những tổn thất bất thường, không lường trước được với giá rẻ nhất, tiện ích nhất mà người mua bảo hiểm không phải quản lý rủi ro. Lấy một ví dụ: một cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu có nhà máy, máy móc thiết bị, kho tàng trị giá 500 tỷ đồng, khi lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh hàng năm, chủ doanh nghiệp có thể biết ngay chi phí bảo toàn, tái lập tài sản của mình là bao nhiêu trong trường hợp không may bị hỏa hoạn qua việc mua bảo hiểm. Thông thường, khoản phí bảo hiểm này rất thấp, không vượt quá 0,2% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Như vậy, nếu đã mua bảo hiểm, trong năm tài chính ấy, chủ doanh nghiệp sẽ không phải lo lắng nếu cơ sở sản xuất của mình bất ngờ bị “thần lửa” hỏi thăm, đồng thời cũng ngay từ đầu năm chủ doanh nghiệp có thể an tâm bởi các khoản chi đã được định liệu sẵn.

Vì bảo hiểm rủi ro nên việc đóng phí của người được bảo hiểm không phải là hình thức tiết kiệm. Trong thời hạn bảo hiểm, nếu không xảy ra tổn thất, thiệt hại thì chủ doanh nghiêp phải chuẩn bị một khoản phí tiếp theo cho năm sau nếu muốn tài sản hay con người của mình được bảo hiểm. Cũng chính vì thế, có rất nhiều người quan niệm rằng, phí bảo hiểm giống như một khoản thuế, việc mua bảo hiểm là khiên cưỡng.

Về bản chất, sự kiện bảo hiểm mang tính ngẫu nhiên, không lường trước được (về thời gian, địa điểm và mức độ tổn thất). Không ai có thể nghĩ TP. Cobe của Nhật lại tan hoang sau trận động đất 1997, tàu con thoi Challenger của Mỹ hiện đại là thế, tối tân là thế lại có thể nổ tung chỉ sau 11 giây bay vào khoảng không và dù có giàu trí tưởng tượng tới đâu, các nhà làm phim hành động của Hollywood cũng không thể ngờ rằng, an ninh của nước Mỹ bị xâm hại tới mức tòa tháp đôi Trung tâm thương mại quốc tế tại New York, biểu tượng của kiến trúc hiện đại của nước này lại bị sụp đổ bởi khủng bố.

Cách đây gần một thế kỷ, khi Henry Ford nói rằng sẽ không có những tòa nhà cao chọc trời ở New York nếu không có các nhà bảo hiểm, hẳn ông chỉ nghĩ đến những rủi ro như bão lốc chứ không thể tin rằng một ngày kia, các cuộc tấn công mang tính hủy diệt lại xảy ra ngay trong lòng nước My. Nhưng ông đã đúng vì những người sở hữu tòa tháp đôi ấy, những người làm việc trong đó đã được các công ty bảo hiểm bồi thường gần trăm tỷ Mỹ kim.

Sự sụp đổ của những cây cầu, con đường… ở Cobe, Nhật Bản, sự không may của chủ sở hữu tòa tháp đôi nói trên đã phần nào làm thay đổi ý niệm của những người tham gia bảo hiểm. Đúng là với tiêu chuẩn xây dựng Nhật, Mỹ thì thiệt hại xảy ra đối với các tòa nhà cao tầng, những con đường và những cây cầu vượt, trong mọi trường hợp đều không lớn, rất lâu mới có một lần nhưng không phải là không thể.

Nếu cho rằng mua bảo hiểm là tốn kém khi các trang thiết bị nhằm đảm bảo cho sự an toàn của ngôi nhà ngày càng hiện đại hơn và có thể giúp được cho con người giải quyết mọi sự cố thì cần phải được nhìn nhận lại. Chi phí mua bảo hiểm không nên chỉ được xem là chi phí, mà cần được xem như một khoản đầu tư cho sự an toàn về tài sản, con người cũng như trách nhiệm. Nó khác biệt với đầu tư trực tiếp là nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận hay kiếm lời từ việc bỏ tiền vào sản xuất – kinh doanh, bảo hiểm rủi ro không sinh lời cho người mua bảo hiểm từ phí bảo hiểm nhưng khoản đầu tư nhỏ này sẽ trở thành cứu cánh cho chủ tài sản khi hiểm họa xảy ra, như người Trung Hoa vẫn bảo: "Trong cái rủi có cái may". Cái may ấy không phải do ai khác mang lại mà do chính  người mua bảo hiểm tự tạo cho mình.

Lịch sử ngành bảo hiểm đã có từ lâu trên thế giới, nhưng sự thay đổi quan niệm về bảo hiểm sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của hoạt động này đúng với bản chất của nền kinh tế thị trường.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.