“Nặng nợ”… bảo hiểm

(ANTĐ) – Có lẽ ở nước ta hiện nay chỉ có ngành bảo hiểm là ngành “nở rộ” nhất và gặt hái nhiều lợi nhuận nhất. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn”, ngành bảo hiểm phát triển rất nhanh và mạnh với đủ mọi loại hình dịch vụ đầy hấp dẫn. Thế nhưng, riêng lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp lại hết sức chật vật.

Ở hầu hết các quốc gia, BHXH, BHYT được coi là thân thiết với mọi người dân, người lao động, công chức, viên chức. Cuộc sống mà không có mấy thứ bảo hiểm đó, coi như “tiêu đời”. Còn ở ta, tình trạng các doanh nghiệp nợ BHXH đã trở thành “căn bệnh” rất khó chữa trị, khiến cho đời sống và quyền lợi sát sườn của hàng triệu người lao động luôn trong tình cảnh bấp bênh. Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, hiện nay cả nước có 400.000 doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhưng Cơ quan BHXH Việt Nam lại khẳng định chỉ thu được bảo hiểm ở 100.000 doanh nghiệp.

Vậy thì, ai đóng bảo hiểm xã hội cho hàng triệu người lao động ở 300.000 doanh nghiệp kia? Đã thế, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến cuối tháng 6-2010 tổng số nợ BHXH trong cả nước đã lên tới 4.165 tỷ đồng, trong số tiền đó các doanh nghiệp “nặng nợ” nhiều nhất. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp, tuy đã hết niên độ kết toán nhưng chưa dồn tiền trả nợ BHXH và đóng khoản BHXH phát sinh.

Hơn thế, doanh nghiệp thường phải vay ngân hàng với lãi suất cao, trong khi nợ BHXH chỉ bị lãi chưa đóng và chậm đóng là 10,5%/năm. Bởi thế các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để cố tình dây dưa. Cũng theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số thu từ đầu năm đến cuối tháng 7-2010 chỉ đạt 45,6% kế hoạch. Có một nghịch lý khó giải thích là, có 20 tỉnh, thành phố thu BHXH đạt trên 50% kế hoạch năm, lại chủ yếu rơi vào các địa phương có mức thu nhập đầu người khá thấp và số thu nhỏ như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Tĩnh.

Trong khi đó, các địa phương thuộc vào giàu có và có số thu lớn thì tỷ lệ thu lại ở mức thấp hơn 50% như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương. Từ đó có thể suy ra, ở những nơi tập trung nhiều người lao động, mức thu nhập đầu người khá hơn, nhưng mức thu BHXH thấp so với các tỉnh khác, thì sự thiệt thòi của chính người lao động theo tỷ lệ nghịch. Đặc biệt đáng lo ngại là, cả nước có tới 5.325 doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên 12 tháng với số tiền lên tới hơn 652 tỷ đồng. Dẫn đầu là TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương. Chiếu theo Luật BHXH có thể khởi kiện các doanh nghiệp “nặng nợ” BHXH này. Tiếc thay, con đường đi đến cửa “công đường” lại đầy trắc trở.

Giám đốc BHXH Hà Nội thừa nhận, theo quy định, cán bộ BHXH chỉ có chức năng kiểm tra trích nộp BHXH, BHYT, nhưng lại không có quyền xử lý các sai phạm. Từ trước đến nay, Hà Nội chưa khởi kiện được doanh nghiệp nào. Ngay cả khi mang chế tài ra xử phạt, doanh nghiệp cũng chẳng “ngán”. Mức xử phạt nặng nhất đối với doanh nghiệp chốn đóng BHXH cho toàn bộ số lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH cũng chỉ từ 15-20 triệu đồng chẳng thấm thoát gì so với hàng tỷ đồng nợ đọng. Thế nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “vui vẻ” nộp phạt hoặc chịu trả lãi để chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.

Nợ đọng, chây ì, chốn đóng BHXH không chỉ “nặng nợ” cho ngành BHXH, mà người lao động sẽ sống ra sao khi quyền lợi bị thiệt thòi?

Đan Thanh
Báo An ninh Thủ đô

Comments are closed.