Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm tài sản

Từ đầu năm đến nay, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản là nghiệp vụ bảo hiểm thương mại truyền thống duy nhất không gặp khó khăn trong việc tăng trưởng doanh thu. Vấn đề với loại hình bảo hiểm này là nếu muốn nâng doanh số, các doanh nghiệp dễ gặp phải tổn thất gia tăng do nghiệp vụ này có tính chất phức tạp. Giải quyết cả hai yêu cầu tăng doanh thu và nâng kiểm soát rủi ro là điều khó thực hiện.

Sự phức tạp thể hiện ở chỗ, mỗi sản phẩm bảo hiểm tài sản – kỹ thuật đều không giống nhau, đòi hỏi cán bộ khai thác bảo hiểm cần có năng lực cao đánh giá xác đáng về rủi ro của sản phẩm. Không chỉ tư vấn, cung cấp sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng, mà còn phải đưa ra được những đề xuất, khuyến nghị trong công tác xây dựng, quản lý tài sản và vận hành dự án nhằm giảm thiểu những nguy cơ, hiểm họa có thể lường trước được.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏe gia đìnhbảo hiểm cho bémua bảo hiểm cho con

Đảm bảo được yêu cầu như trên là không dễ, và điều này là một phần lý do cho sự tăng tốc chậm của nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống này.

Tổn thất vẫn rất lớn

Theo thống kê, thị trường bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước, với doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt gần 206.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng khoảng 10%, nhưng điều đáng chú ý của lĩnh vực phi nhân thọ là tăng trưởng phí tập trung vào lĩnh vực bán lẻ. Một loạt nghiệp vụ có doanh thu phí sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp như xây dựng, lắp đặt, năng lượng, hàng hóa vận chuyển, hàng không…

Về tổn thất, tính đến hết quý III năm 2017, thị trường đã ghi nhận một số vụ tổn thất lớn liên quan đến bảo hiểm tài sản – kỹ thuật như: Hỏng bể điện phân tại Nhà máy Điện phân nhôm Sohar Aluminium – Oman (300 triệu USD); cháy Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (25 triệu USD), Nhà máy Kwong Lung Meko (18 triệu USD), Nhà máy Ô tô Trường Hải (16 triệu USD) và thiệt hại do các cơn bão Irma, Harvey, Talas gây ra.

Hiện chưa có số liệu chính thức về bồi thường bảo hiểm mới nhất nên chưa thể nhận diện được bức tranh chung đến thời điểm kết thúc năm. Nhưng tính chung giai đoạn 2009-2016, tổn thất tiếp tục gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng, không chỉ với hai nghiệp vụ tài sản và thân tàu mà còn xảy ra với cả kỹ thuật – nghiệp vụ được xem là có tỷ lệ tổn thất thấp trong nhiều năm qua.

Nguy cơ tổn thất thiên tai gia tăng với mức độ tích tụ rủi ro bảo hiểm ngày càng lớn trong điều kiện thiếu các công cụ kiểm soát, đánh giá. Điều này tạo ra những quan ngại về chất lượng công tác giải quyết bồi thường và nguy cơ trục lợi bảo hiểm lớn.

Với riêng nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, giai đoạn 2009 – 2016, tỷ lệ bồi thường rủi ro nhóm 1-2 có xu hướng gia tăng và chỉ có tín hiệu sáng ở nhóm nhóm 4-5 khi tỷ lệ bồi thường/doanh thu phí (năm 2016) đã xuống dưới 100% sau nhiều năm liên tục trên mức 100%. Mức khấu trừ tối thiểu 10% cũng đóng góp không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ bồi thường năm 2016.

Cũng trong giai đoạn này, tổn thất nhỏ hơn 1 triệu USD chiếm 33,01% tổng phí; tổn thất lớn hơn 1 triệu USD chiếm 37,42% tổng phí, trung bình mỗi năm có 10 vụ có mức tổn thất 4,62 triệu USD. Nguyên nhân tổn thất chủ yếu vẫn do cháy do chập điện, tiếp đến là vì cháy do nổ, tự bốc cháy, tàn thuốc, rồi cháy do vô thức.
Nhóm ngành nghề có nhiều tổn thất lớn (dệt, may, gỗ, giầy) thuộc nhóm rủi ro 5. Các nhóm khác như điện, điện tử, nhựa, giấy, bao bì, kho hàng đơn lẻ… cũng có tần suất và mức độ thiệt hại nặng.

Liên quan đến nội dung các điều khoản mở rộng của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, từ cuối năm 2016, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã chuẩn hóa bộ điều khoản điều kiện mở rộng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn được cấp với điều khoản điều kiện mở rộng có chỉnh sửa nội dung.

Cạnh tranh bằng phí còn cao

Không chỉ đối với riêng mảng bảo hiểm tài sản, mà ở nhiều loại hình bảo hiểm khác, quá trình khai thác/bán hàng vẫn phổ biến tình trạng “giành khách” bằng giảm phí, mở rộng điều kiện điều khoản phi kỹ thuật.

Chẳng hạn, tỷ lệ bồi thường thân tàu đã báo động nhiều năm nay nhưng vẫn phí vẫn tiếp tục giảm, hay phí các rủi ro về xây dựng chung cư, văn phòng, khách sạn… cũng giảm sâu. Nếu chia theo nhóm, tỷ lệ phí bảo hiểm tài sản nhóm 1 – 2 giảm dần từng bước xuống mức… báo động, còn với nhóm 4 – 5 là việc không tuân thủ điều kiện tối thiểu trong khai thác bán hàng. Việc nội dung các điều kiện mở rộng bị sửa đổi nhiều đã kéo theo những tranh chấp xảy ra trong bồi thường (cả với khách hàng gốc và nhà tái bảo hiểm) tăng lên.

Tại hội thảo do Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) tổ chức cách đây không lâu, số liệu được đưa ra cho thấy các rủi ro phụ, rủi ro thiên tai mới được tính phí cho rủi ro Cat 4, 5 theo yêu cầu của nhà tái bảo hiểm, nhưng chưa thực sự đầy đủ. Rủi ro đã được các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm, gồm cả đánh giá trước khi cấp đơn (đặc biệt là các rủi ro nhóm 4 – 5), nhưng chất lượng bản đánh giá thực tế chưa cao, nhiều trường hợp mang tính thủ tục để tuân theo các yêu cầu của nhà nhận tái bảo hiểm.

Liên quan đến thu xếp tái bảo hiểm, việc thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Không ít dịch vụ phải thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài với nhà tái không có ratings hoặc ratings thấp.

Những câu chuyện trên cũng được đề cập tại Hội thảo “Quản trị rủi ro bảo hiểm tài sản – kỹ thuật” do Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phối hợp tổ chức gần đây.

Tại hội thảo này, các chuyên gia đã khuyến nghị rằng, với sự phức tạp của rủi ro trong từng loại hình bảo hiểm tài sản – kỹ thuật, cán bộ khai thác bảo hiểm cần được nâng cao trình độ để có những đánh giá xác đáng về rủi ro, nhằm giảm thiểu những nguy cơ, hiểm họa có thể lường trước được, giúp nâng cao hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm và đồng thời cũng đem lại lợi ích cho người được bảo hiểm.

Theo Hồng Trang (ĐTCK)