Năm học 2011-2012: phấn đấu 80% HSSV tham gia BHYT

Ảnh minh họa.(VOH) – Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, trong cuộc họp góp ý Chỉ thị tăng cường thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội và Luật Bảo hiểm y tế trên địa bàn TP vào hôm qua 25/7, Bảo hiểm Xã hội TP đã đề xuất với UBND TP về việc chuyển nhóm đối tượng học sinh sinh viên (HSSV), người cận nghèo, công chức và người lao động đang tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện sang hình thức BHYT bắt buộc, trước mắt cần triển khai áp dụng ngay đối với đối tượng là HSSV.Ngày 31/8/2010 UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn chỉ đạo 10 sở ngành và UBND các quận huyện thực hiện BHYT HSSV.

Theo đó, UBND các quận huyện đã yêu cầu các phòng giáo dục và ban giám hiệu các trường phối hợp với cơ quan BHXH triển khai BHYT HSSV. Tích cực định hướng vận động đông đảo phụ huynh học sinh tham gia. Thế nhưng qua một năm thực hiện, công tác này đang gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Trần Thị Kim Thanh – Phó Giám đốc Sở GD & ĐT TPHCM, số tiền hiện nay BHXH để lại cho nhà trường là 12% nhưng trên thực tế sau khi trích lại số tiền để bảo vệ sức khỏe ban đầu còn được 8,5%, không đủ chi phí cho việc khám chữa bệnh ban đầu: “Chúng ta cũng chưa làm tốt việc tuyên truyền để tất cả phụ huynh và xã hội hiểu rằng đây là quyền lợi của những người tham gia BHYT. Chúng ta cứ đưa vào như một khoản thu bắt buộc như thế này có nghĩa là chúng ta yêu cầu phụ huynh phải tham gia đóng. Mà đã là bảo hiểm, đã là luật thì phải đóng 100%. Chúng tôi thấy đây là điều rất là nặng, khó khăn, là vấn đề mà ngay từ đầu năm học đưa ra thực hiện thì chúng tôi nghĩ lãnh đạo thành phố sẽ chia sẻ những bức xúc với phụ huynh vấn đề này”.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Tài Dũng – Ủy viên thường trực ban chỉ đạo Nha – y tế học đường TPHCM cho biết: “Hiện nay phần công việc rất đồ sộ để thực hiện bảo hiểm tại trường, từ vận động thu cho đến tập hợp, chuyển qua bảo hiểm rồi mới đối chiếu danh sách, rồi nhận thẻ và phát lại cho các em đi khám…thì hiện nay kinh phí để lại cho công tác phát hành thẻ, trách nhiệm của nhà trường theo Luật mới thì gần như không có nữa. Mà rõ ràng đây là công việc không phải trách nhiệm của nhà trường mà nhà trường phải làm để giúp cho bảo hiểm. Do đó mà chúng ta không có nguồn lực động viên, như thế cũng không phù hợp”.

Trước những khó khăn mà Sở GD & ĐT TPHCM đưa ra, ông Nguyễn Văn Xê – PGĐ Sở Lao động Thương Binh và Xã hội cho rằng: “BHYT đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của nhà trường là thu tiền đóng BHYT của HSSV 6 tháng hoặc 1lần/năm nộp cho BHXH. Từ những cơ sở trên, Sở LĐTB&XH thấy rằng, đề nghị điều chỉnh của Sở GD&ĐT chỉ nằm trong phạm vi tổ chức tuyên truyền vận động không thôi chưa đủ. Do đó, Sở LĐTB&XH không thể đưa vào trong dự thảo lần này được, và cũng đã hoàn chỉnh lại dự thảo và báo cáo Ủy ban nội dung đề xuất của Sở GD&ĐT để Ủy ban có ý kiến chỉ đạo”.

Sau khi nghe các sở ban ngành trình bày những khó khăn vướng mắc, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP có chỉ đạo: trong năm học 2011-2012, BHXH TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD & ĐT, ban y tế học đường của các nhà trường để triển khai sớm BHYT đến từng phụ huynh học sinh: “Thông tư hướng dẫn là việc chúng ta phải tuyên truyền, vận động và tự nguyện, cái này trong luật đã nói. Do đó, cái này không phải là một chỉ tiêu mà bắt buộc đối với việc quản lý thu mà mình phải đưa vào đầu năm học, gọi là bắt buộc thì không được. Mình phải mềm chỗ này, tâm đắc tuyên truyền vận động phải đẩy lên hàng đầu để làm sao mọi người dân hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT”.

Như vậy, trong năm học tới, đối tượng HSSV khi tham gia BHYT mức đóng hàng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu do chính phủ quy định, trong đó nhà nước sẽ hỗ trợ 30%. Trong cuộc họp, Liên ngành cũng đã thống nhất thời điểm tổ chức thực hiện vận động HSSV tham gia BHYT đồng loạt trên địa bàn TP vào đầu năm học và hoàn tất thủ tục cấp thẻ vào 31/12/2011; Phấn đấu năm 2012, số học sinh tham gia BHYT đạt 80% so với số học sinh hiện có của thành phố.

Huệ Phương
Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Comments are closed.