Nam Định: Điểm sáng trong liên kết dạy nghề cho nông dân

Sau khi được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chọn làm điểm triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã thành lập Ban Chỉ đạo, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục tiêu dạy nghề cho khoảng 400.000 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình đạt ít nhất 80%…

Để thực hiện tốt công tác điều tra, phục vụ xây dựng đề án, ngoài việc giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung của Quyết định 1956, tập huấn cán bộ và triển khai khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Nam Định còn ra quyết định ban hành Đề án Dạy nghề cho nông dân trong tỉnh đến năm 2020, với mục tiêu sẽ đào tạo cho 364.500 người, trong đó, lao động nông thôn là hơn 310.000 người, và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lũy kế đạt 60% vào năm 2020.

Qua điều tra, số lao động có nhu cầu học nghề của tỉnh hiện nay là hơn 100.000 người, trong đó học nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 48.973 người, sơ cấp nghề 50.655 người, trung cấp nghề 7.160 người, cao đẳng nghề 1.363 người. Nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 62.720 người, trong đó cao nhất là nhóm ngành công nghiệp với 32.640 người.

Bên cạnh đó, tỉnh đã cụ thể hóa các mô hình dạy nghề thí điểm như tại huyện Giao Thủy có mô hình gắn sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề thủ công. Tại xã Yên Phúc (Ý Yên), tổ chức mô hình trồng cây cảnh. Tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản. Khu công nghiệp An Xá thực hiện mô hình dạy nghề gắn với doanh nghiệp sản xuất, được Trường Cao đẳng nghề Nam Định tổ chức tại Công ty TNHH Thắng Lợi…

Huyện Hải Hậu được coi là một trong những nơi triển khai thành công những nội dung trong đề án dạy nghề của Nam Định. Theo đó, huyện đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của bà con và nhận thấy người lao động ở các xã ven biển muốn học nghề dệt lưới; số khác muốn học dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc… Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có lao động có nhu cầu học. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao. Do đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung sẽ không phát huy hiệu quả. Do vậy, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở địa phương là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Ông Phùng Đình Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi, đối tác được Trường Cao đẳng nghề Nam Định chọn làm nơi thực hiện đề án đào tạo nghề cho biết, để giúp 35 học viên đầu tiên đến với công ty, ngoài số tiền trợ cấp của dự án, chúng tôi không thu tiền điện, nước, bố trí nơi học gắn với nơi thực hành cho học viên. Về phía nhà trường, các thầy cô giáo luôn thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, nhờ đó học viên dễ tiếp thu bài học, thực hành chính xác, có thể tự tin xin vào làm ở các doanh nghiệp.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.