(LĐO) – Nhằm thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu từ năm 2011, Bộ Công thương đang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện khuyến khích các thương nhân xuất khẩu tích cực tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Đối tượng tham gia bảo hiểm là các thương nhân xuất khẩu hàng hoá thuộc hai nhóm hàng: thuỷ sản, gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè, sắn và các sản phẩm từ sắn; nhóm hàng: dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, gốm sứ, thuỷ tinh, mây tre cói và thảm, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo…
Giai đoạn 2011-2013, đạt tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Căn cứ xác định phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là mức độ rủi ro, tổn thất (dự kiến), chi phí quản lý và các chi phí khác có liên quan đến rủi ro được bảo hiểm. Ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai thực hiện thí điểm hoạt động này được bố trí trong Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch quốc gia.
Để khuyến khích các thương nhân tham gia bảo hiểm xuất khẩu, Bộ Công thương phối hợi với Bộ Tài chính, các bộ khác đang thực hiện một số công việc như: Hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu liên quan tới đối tượng, mặt hàng, thị trường khuyến khích xuất khẩu; thường xuyên cung cấp thông tin về các quốc gia, ngành hàng, tổ chức nhập khẩu, thông tin rủi ro thị trường của các thị trường xuất khẩu chủ yếu.
Chỉ đạo Thương vụ hiện diện tại các nước có trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong việc thu hồi các khoản nợ và xử lý các vấn đề liên quan.
Minh Nhật
Báo Lao Động – Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Comments are closed.