Năm 2009, quỹ bảo hiểm y tế thâm hụt gần 2.000 tỷ

Bệnh nhân BHYT khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: C.Q) – (VN+) Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2009, quỹ bảo hiểm y tế tiếp tục thâm hụt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi là 15%. So với năm 2007 và năm 2008, mức thâm hụt quỹ tăng cao hơn.
Năm 2007, quỹ bảo hiểm y tế bội chi 1,8 ngàn tỷ. Năm 2008, con số này giảm xuống còn 1,4 ngàn tỷ.

Lý giải nguyên nhân việc quỹ thâm hụt nặng hơn trong năm 2009, ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Giám định y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho rằng năm 2009, lượng người tham gia BHYT tăng vọt.

Hiện nay, cả nước có trên 50 triệu người dân tham gia BHYT (chiếm khoảng 57% dân số). So với các năm trước, số này đã tăng từ 22 đến 23% (trên 10 triệu người).
Song song với việc tăng số lượng người tham gia BHYT, vấn đề quản lý không hiệu quả là nguyên nhân chính khiến quỹ BHYT thâm hụt nặng nề hơn.

Ông Thảo cho biết các biện pháp kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn trong điều trị nhằm hạn chế thâm hụt quỹ đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm từ lâu rồi, mỗi năm lại đổi mới cách thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát này chưa mang lại hiệu quả, dẫn đến việc vỡ quỹ BHYT triền miên suốt 3 năm trở lại đây (sau khi tiêu hết hơn 3.000 tỷ kết dư từ năm 1994 đến 2004). Theo tính toán của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tổng chi phí các dịch vụ kỹ thuật chiếm tới 18% tổng chi phí y tế.

Theo ông Thảo, thống kê phân tích cho thấy nhu cầu chi tiêu dành cho y tế của mỗi người dân Việt Nam là 80 đôla/người/năm. Trong khi đó, phí tham gia BHYT chưa đến 20 đôla. Để tăng phần thu cho quỹ, giảm mức độ thâm hụt, từ 1/7/2009, khi luật BHYT có hiệu lực, phí BHYT đã tăng thêm 1,5 lần (từ 3% hiện nay lên 4,5% mức tiền công, tiền lương, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động hàng tháng hay mức lương tối thiểu).

Mức này, theo ông Thảo, là chưa cao và chưa cân đối được với mức chi. Tuy nhiên, tăng phí nữa thì không được. “Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp để kiểm soát hiệu quả. Trong bối cảnh viện phí không thay đổi lớn thì đến cuối năm 2011, khả năng quỹ BHYT sẽ được cân đối, xoá bỏ được tình trạng vỡ quỹ kéo dài”, ông Thảo cho biết.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định về đổi mới cơ chế họat động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trình Chính phủ xem xét. Trong Nghị định này, sẽ có một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề thay đổi viện phí. Dự kiến nếu viện phí có điều chỉnh thì mức phí đóng BHYT cũng sẽ được tính toán để điều chỉnh theo.

Trước mắt, để đảm bảo hoạt động, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phải “mượn” tiền từ Quỹ hưu trí vì ở thời điểm hiện nay, khó có thể vay tiền từ Chính phủ.

    * Cẩm Quyên

Comments are closed.