Ấn Độ: Tăng thời hạn các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư

bhnt_an_do.jpgTheo thông tin từ Tạp chí Mint, doanh thu phí bảo hiểm tăng nhanh đã buộc các công ty bảo hiểm nhân thọ phải tăng vốn, mở rộng kinh doanh. Các công ty này phải mở rộng thời hạn đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư để có thể bù đắp khoản chi phí khai thác và các khoản chi phí có liên quan khác.

Tờ Mint trích dẫn ý kiến của ông Sanjay Aggarwal làm việc tại công ty tư vấn KPMG: “Thời hạn các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư được kéo dài lên 12 năm thay vì 7 năm so với năm 2000 khi ngành công nghiệp bảo hiểm mở cửa đón nhận các thế lực cạnh tranh mới”.

Phí bảo hiểm năm đầu tiên trong toàn ngành đã tăng 23% đạt 930 tỷ rupi (tương đương với 21,8 tỷ đô la Mỹ) trong năm 2007 – 2008. Trong hai năm tài chính trước đó, toàn ngành thậm chí đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tương ứng là 95% và 48%. Tốc độ tăng trưởng cao cho thấy một tỷ trọng lớn danh mục đầu tư của một công ty bảo hiểm tư nhân được hình thành từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn ngắn. Phần lớn phí bảo hiểm thu được trong năm đầu tiên để trang trải chi phí bán hàng cũng như hoa hồng trả cho đại lý. Công ty bảo hiểm sẽ bắt đầu có lãi sau một vài năm khi các chi phí này giảm đi.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng phải đối mặt với áp lực về vốn. Lý do là Cơ quan Phát triển và Giám sát Bảo hiểm (Inssurance Regulatory and Development Authority) yêu cầu các công ty bảo hiểm phải duy trì biên khả năng thanh toán 150%. Để phù hợp với quy định này, các công ty bảo hiểm phải xây dựng các quỹ dự phòng nghiệp vụ và tăng vốn khi cần thiết. Trong tháng Giêng, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Aviva đã tăng vốn từ 2,46 tỷ rupi lên 10 tỷ rupi, trong khi đó công ty bảo hiểm Nhân thọ Bajaj Allianz đã bổ sung thêm 1,75 tỷ rupi để tăng vốn lên thành 8,75 tỷ rupi.

Ông Aggarwal cho biết: “Tốc độ tăng trưởng thực tế trong ngành công nghiệp này còn cao hơn so với kế hoạch ban đầu, nhưng lại không đạt được lợi nhuận theo dự kiến. Nguyên nhân là do chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí cho nguồn nhân lực cao hơn so với kế hoạch đề ra… Chi phí bán hàng cũng rất cao”.

Nguyễn Dung (Bảo Việt)

Comments are closed.