Nở rộ sản phẩm bảo hiểm liên kết chung

baohiemlienketchung_resize.jpgCạnh tranh trên thị trường bảo hiểm đang dần đi vào chiều sâu khi DN bảo hiểm liên tục tung ra các sản phẩm mới. Một trong những sản phẩm được tập trung khai thác là bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) trên cả thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ (BHNT).

Sôi động

Ngày 5/5, Baoviet Bank và Tổng công ty Bảo Việt nhân thọ đã tung ra thị trường 2 sản phẩm bảo hiểm liên kết chung: Tích trường phú và Tín tài nghiệp. Sản phẩm Tích trường phú đáp ứng đồng thời nhu cầu tiết kiệm và được BHNT với mức trách nhiệm lên đến một tỷ đồng.

Nếu Tích trường phú dành cho người gửi tiền thì Tín tài nghiệp dành cho người đi vay nhằm đảm bảo sự an tâm cho cả người vay và người cho vay. Cá nhân vay vốn tín chấp sẽ được tham gia BHNT tương ứng với giá trị khoản vay. Trong trường hợp không may rủi ro xảy ra trong phạm vi bảo hiểm, khách hàng và người thân trong gia đình sẽ không phải đối mặt với gánh nặng thanh toán nợ gốc và tiền lãi của khoản vay.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, Sacombank cũng bắt tay Công ty BHNT Prévoir Việt Nam triển khai sản phẩm tiết kiệm “Bảo an – vẹn toàn”. Sản phẩm này dành cho đối tượng khách hàng cá nhân 18 – 59 tuổi tham gia gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng hoặc 1.000 USD trở lên. Theo đó, khách hàng được quyền lựa chọn hợp đồng BHNT theo một trong hai hình thức: được công ty bảo hiểm trả 50% số tiền gửi nếu gặp rủi ro, hoặc được trả 100% viện phí trong trường hợp phải nhập viện. Giá trị bảo hiểm tối đa cho mỗi khách hàng là 800 triệu đồng. Thời hạn bảo hiểm chính là kỳ hạn gửi tiền của khách hàng và độ tuổi tối đa được bảo hiểm là 60 tuổi. Điểm đáng chú ý của sản phẩm tiết kiệm “Bảo an – vẹn toàn” so với các sản phẩm bảo hiểm thông thường là nếu có nhu cầu vốn đột xuất, khách hàng có thể rút trước hạn, thế chấp hoặc cầm cố thẻ tiết kiệm tại Sacombank để vay vốn. Trước đó, Sacombank đã triển khai hai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung là “Bảo an – Phát lộc” và “Bảo an – Tích lũy định kỳ”.

Không chỉ trong BHNT, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ cũng xuất hiện nhiều sản phẩm liên kết chung. Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) cho biết, năm 2008 DN này thu được trên 23 tỷ đồng doanh thu từ kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Có hai hình thức liên kết là: ngân hàng trực tiếp bán chéo và tích hợp sản phẩm bảo hiểm và ngân hàng bán theo gói sản phẩm. Ở hình thức thứ nhất, hiện BIC đang triển khai 4 sản phẩm qua hệ thống BIDV. Với hình thức tích hợp, khi sử dụng một số dịch vụ tại ngân hàng, khách hàng đồng thời được bảo hiểm và phía ngân hàng sẽ trích một phần phí thu được từ khách hàng để trả phí bảo hiểm cho khách hàng.

Bắt đầu triển khai từ năm 2007 với sản phẩm tích hợp đầu tiên BIC – Bảo an (liên kết với sản phẩm huy động vốn), đến năm 2008, BIC đã triển khai được 4 sản phẩm bán chéo qua hệ thống 500 điểm giao dịch của BIDV trên toàn quốc. Từ đầu năm 2009, BIC đã triển khai BIC Visa Gold (liên kết với sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế) và chuẩn bị tới đây là BIC An sinh toàn diện (liên kết với sản phẩm tiết kiệm tích luỹ). Không chỉ giới hạn trong hệ thống chi nhánh của BIDV, từ năm 2008, BIC đã triển khai bán bảo hiểm qua Ngân hàng liên doanh Việt – Nga với sản phẩm BIC – Bình an (liên kết với sản phẩm tín dụng tiêu dùng).

Vẫn cần thêm thời gian

Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Baoviet Bank cho biết, sau 2 sản phẩm Tích trường phú và Tín tài nghiệp, ngân hàng này sẽ tiếp tục cung cấp ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng với nhiều giá trị gia tăng hơn cho khách hàng.

Bà Trần Thúy Nga, phụ trách kênh bán hàng Bancassurance của BIC cho biết, trong năm 2009 DN này xác định đây là kênh bán hàng chủ lực. Theo đó, BIC tiếp tục đẩy mạnh 4 sản phẩm bán chéo qua hệ thống giao dịch của BIDV là tập trung phát triển tích hợp sản phẩm bảo hiểm vào các sản phẩm bán lẻ của BIDV, đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác về liên kết chung với các ngân hàng ngoài hệ thống BIDV.

Việc đưa ra thị trường các sản phẩm bán chéo liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm không mới, nhưng những sản phẩm dễ hiểu, dễ thực hiện với tất cả các bên tham gia quả thật không nhiều. Các sản phẩm liên kết bảo hiểm – ngân hàng được biết đến với ưu điểm nổi trội như đảm bảo tính thuận tiện của kênh phân phối dịch vụ tài chính “một cửa”, linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp tài chính thỏa mãn tốt hơn nhu cầu khách hàng và đặc biệt là cung cấp các sản phẩm trọn gói “2 trong 1”, nhưng việc triển khai vẫn gặp không ít khó khăn. Để ra được một sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng không khó (mất khoảng 1 tháng) trên nền tảng công nghệ có sẵn của ngân hàng và bảo hiểm, nhưng việc bán các sản phẩm này vẫn là thách thức không nhỏ. Hiện lợi thế vẫn thuộc về các ngân hàng, DN bảo hiểm lớn có cơ sở dữ liệu khách hàng tốt cũng như hệ thống mạng lưới rộng khắp. Bên cạnh đó, do việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn lớn, nên việc bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng bị hạn chế. Ngoài ra, còn có những khó khăn như: thị trường ngân hàng biến động lớn về lãi suất, việc khống chế dư nợ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước khiến các ngân hàng dè dặt trong việc cung cấp các sản phẩm bán lẻ, làm hạn chế triển khai các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.

Ông Đặng Ngọc Thanh, Phó tổng giám đốc Bảo Việt nhân thọ cho biết, đến nay DN này đã triển khai hàng chục sản phẩm bảo hiểm liên kết chung với các ngân hàng HSBC, Techcombank, Baoviet Bank… và thu được kết quả khá tốt.

“Tuy nhiên, cũng như TTCK, phải mất một thời gian người dân mới quen và đến với nó như một kênh đầu tư thực sự. Tôi cho rằng, phải mất vài ba năm nữa, các sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng mới phát triển mạnh mẽ khi người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt và ý thức mua bảo hiểm tăng lên”, ông Thanh nói.  

Theo Baohiem.pro.vn

Comments are closed.