Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 28.12, vẫn còn 84 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ đọng BHXH. Đơn vị nợ ít nhất là 3 triệu đồng và nhiều nhất là trên 16 tỉ đồng.
“Điểm mặt” doanh nghiệp nợ BHXH
Một trong những đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài, phải kể đến Cty rượu Sapanh Mátxcơva đã nợ BHXH của người lao động (NLĐ) đến 115 tháng với số tiền lên đến hơn 1,8 tỉ đồng. Từ tháng 6.2008 trở về trước, Cty rượu Sapanh Mátxcơva vẫn hoạt động, nhưng đã cố tình “quên” nộp BHXH cho công nhân.
“Theo sau” Cty rượu Sapanh Mátxcơva là Cty TNHH Tân ChiMel (32 NLĐ) – nợ BHXH 65 tháng, số tiền hơn 689 triệu đồng. Kế đến là các Cty có thời gian nợ BHXH từ 10 tháng trở lên; bao gồm: Cty TNHH Hanul Line Việt Nam (324 NLĐ) – nợ 26 tháng, số tiền gần 2 tỉ 400 triệu đồng; Cty Viko GloWin VN (98 NLĐ) – nợ 23 tháng, số tiền 968 triệu đồng; Cty Tosca (96 NLĐ) – nợ 21 tháng, 467 triệu đồng; Cty Young March Candle (26 NLĐ), nợ 20 tháng, 123 triệu đồng; Cty Thanh Mộc (38 NLĐ) – nợ 14 tháng, 118 triệu đồng;
Cty Amata Food – nợ 12 tháng, 173 triệu đồng; Cty hoá chất Dy Vina (80 NLĐ) – nợ 11 tháng, 449 triệu đồng; Cty kỹ nghệ J&V (90 NLĐ) – nợ 11 tháng, 375 triệu đồng; Cty sản xuất Đông Nam – nợ 11 tháng, 77 triệu đồng; Cty Duballo Việt Nam (204 NLĐ) – nợ 11 tháng, 679 triệu đồng; Cty cổ phần Long Bình (187 NLĐ) – nợ 11 tháng, 666 triệu đồng; Cty K&P (334 NLĐ) – nợ 10 tháng, 929 triệu đồng; Cty C.T Corporation (25 NLĐ) – nợ 10 tháng, 79 triệu đồng…
Thực ra, có những doanh nghiệp chỉ nợ dưới 10 tháng, nhưng do NLĐ nhiều nên số tiền nợ BHXH lên đến hàng tỉ đồng. Chẳng hạn như Cty cổ phần Lilama 45-1 (2.600 NLĐ) – nợ 8 tháng, 5 tỉ 938 triệu đồng; Cty Happy Cook (499 NLĐ) – nợ 8 tháng, 1 tỉ 119 triệu đồng; Cty Vietbo (734 NLĐ) – nợ 7 tháng, 1 tỉ 432 triệu đồng; Cty cổ phần thực phẩm quốc tế (512 NLĐ) – nợ 7 tháng, 1 tỉ 348 triệu đồng; Cty Hwaseung Vina (13.885 NLĐ) – nợ 4 tháng, 16 tỉ 209 triệu đồng…
Thực tế, nếu không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng liên ngành của tỉnh: BHXH, Liên đoàn Lao động, Lao động-Thương binh – Xã hội và Ban quản lý các KCN thì số DN nợ đọng BHXH sẽ còn cao hơn; bởi từ đầu tháng 12.2008, có 102 đơn vị nợ với số tiền trên 42 tỉ đồng.
Biện pháp nào để DN không nợ BHXH?
Nói về những thiệt thòi mà NLĐ phải chịu, khi DN không đóng BHXH, Phó Giám đốc BHXH Phạm Minh Thành cho biết, đã có hàng trăm trường hợp đau ốm, thai sản không được thanh toán bảo hiểm y tế. Đương nhiên, phần 6% NLĐ đóng từ tiền lương của mình có thể sẽ bị chủ sử dụng lao động chiếm dụng, một khi DN không thực thi trách nhiệm đóng BHXH (15% DN phải nộp).
Có rất nhiều đơn thư của NLĐ gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh, đề nghị can thiệp do bị chiếm dụng BHXH. Đây chính là tồn tại cần phải chấn chỉnh, khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới.
Theo ông Thành, đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 65%) trên địa bàn tỉnh thì chỉ có một số đơn vị không chấp hành Luật BHXH. Số còn lại rơi vào các DN trong nước hoặc các Cty liên doanh.
Về nguyên nhân dẫn đến nợ đọng BHXH, ông Thành cho rằng, ngoại trừ những Cty phá sản thì trong năm 2008, do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động mạnh mẽ đến tốc độ phát triển sản xuất của các DN Việt Nam. Cụ thể, nhiều DN không xuất khẩu được hàng hoá; không ký kết được hợp đồng kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước; doanh thu gặp khó khăn…
Điển hình là những tháng cuối năm, nhiều Cty đã phải cho công nhân nghỉ việc hoặc điều chỉnh giảm lao động để hạn chế chi phí. Tuy nhiên, dù cho bất kỳ lý do gì thì việc các Cty nợ BHXH là trái với quy định của pháp luật.
Một trong những vướng mắc hiện nay là việc xử lý các DN nợ đọng BHXH còn “cả nể”, nên hiệu lực pháp luật không cao. Chẳng hạn, Cty Hanul Line Việt Nam bị Liên đoàn Lao động thị xã Long Khánh kiện đòi nợ BHXH cho đoàn viên công đoàn, bị toà xử thua kiện. Song đến nay, số nợ BHXH cũ (1,5 tỉ đồng) Cty này vẫn chưa trả, mà còn nâng thêm khoản nợ gần 1 tỉ đồng nữa – tính đến thời điểm này.
Về những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nợ BHXH trong thời gian tới, ông Thành nhấn mạnh: Từ đầu năm 2009, cơ quan BHXH sẽ thực hiện nghiêm túc Luật BHXH. Thứ nhất, sau 30 ngày – tính từ ngày cuối tháng phải nộp BHXH, nếu đơn vị nào không thực hiện trách nhiệm này, BHXH sẽ tính lãi suất đầu tư bảo tồn quỹ tài chính hàng năm (14%).
Thứ hai, quá trình đôn đốc, nhắc nhở nhưng DN cố tình nợ đọng từ 4 tháng trở lên, BHXH sẽ lập danh sách và đề nghị Thanh tra Sở Lao động-Thương binh-Xã hội xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 135. Thứ ba, khi DN bị xử phạt hành chính rồi mà vẫn không chấp hành nộp BHXH, cơ quan BHXH sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để khởi kiện DN theo luật định!
Tạ Nguyên
Theo Báo Điện Tử Lao Động
Comments are closed.