Mua chứng chỉ tiền gửi: Được và mất

Cuộc đua tăng lãi suất huy động VND đang nguội dần, một số ngân hàng đồng loạt thông báo phát hành hoặc kéo dài chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn, trung và dài hạn.

Vậy, người mua cần lưu ý gì đối với sản phẩm này?

Đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi

Cùng với việc huy động vốn của tổ chức kinh tế, cá nhân thông qua tài khoản tiền gửi tiết kiệm, phát hành các loại giấy tờ có giá, trong đó có chứng chỉ tiền gửi đang trở thành một trong những sản phẩm huy động vốn “ưa thích” của các ngân hàng.

Ngay sau khi tổ chức lễ ra mắt, chính thức chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, sẽ tiếp tục kéo dài chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh đợt 1/2009 đến ngày 15/8/2009 với lãi suất khá hấp dẫn cùng việc tặng khuyến mại bằng tiền mặt.

Khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn càng dài thì mức lãi suất càng cao, cụ thể: với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất là 7,9%/năm; 9 tháng là 8,1%/năm; 12 tháng là 8,3%/năm; 24 tháng là 8,6%/năm và 36 tháng lên đến 9%/năm.

Ngoài những ưu đãi về lãi suất, VietinBank còn có chính sách khuyến mại đối với các khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi với giá trị lớn, cụ thể đối với khách hàng cá nhân mua chứng chỉ tiền gửi với số tiền từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng sẽ được tặng bằng tiền mặt với tỷ lệ khuyến mại là 0,2% trên số tiền mua chứng chỉ tiền gửi; từ 50 triệu đồng trở lên được tặng 0,4%; khách hàng doanh nghiệp từ 500 triệu đồng trở lên sẽ được tặng bằng tiền mặt với tỷ lệ khuyến mãi 0,3% với kỳ hạn 24 tháng và 0,4% với kỳ hạn 36 tháng trên số tiền mua chứng chỉ tiền gửi.

Một “ông lớn” khác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn đợt 2/2009 bằng VND đến hết ngày 14/8/2009. Chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn của BIDV có kỳ hạn cao nhất là 364 ngày, với mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng dành cho khách hàng cá nhân và 50 triệu đồng dành cho khách hàng tổ chức, không hạn chế số tiền mua.

Trong trường hợp khách hàng chưa đến thanh toán chứng chỉ tiền gửi vào ngày đáo hạn, tùy theo đối tượng, số tiền gốc và lãi của khách hàng sẽ được tự động chuyển sang sản phẩm tiền gửi thông thường có kỳ hạn tương đương hoặc được giữ hộ.

Đặc biệt, tại kỳ chuyển đổi đầu tiên, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất hấp dẫn, cao hơn tiền gửi có kỳ hạn thông thường tại thời điểm chuyển đổi một biên độ cộng thêm áp dụng cho từng kỳ hạn, từ 0,1-0,2%/năm.

Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi trung hạn dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với mệnh giá huy động tối thiểu là 10 triệu đồng/chứng chỉ tiền gửi cho các kỳ hạn 12, 13, 15, 18, 24 và 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ; mức lãi suất là 9,78%/năm.

Ngoài ra, tùy theo mức gửi, khách hàng còn được cộng thêm lãi suất bậc thang tối đa là 0,3%/năm. Sacombank dự kiến tổng nguồn vốn huy động của chương trình sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng sau 2 tháng triển khai.

Cần tính toán kỹ khi mua

Theo trợ lý đầu tư của một ngân hàng thương mại cổ phần, về lý thuyết, người mua chứng chỉ tiền gửi không được thanh toán trước hạn và vì thế, ngân hàng sẽ “yên tâm” hơn trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn.

Nếu có nhu cầu về vốn mà giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán, người mua chỉ có thể “cầm cố” giấy tờ có giá này để vay vốn và tất nhiên, lãi suất cho vay lại sẽ cao hơn lãi suất mà ngân hàng trả cho người mua. Như vậy, lợi tức cao của giấy tờ có giá sẽ giảm đi rất nhiều nếu khách hàng thực hiện việc “cầm cố”.

Chẳng hạn trong thể lệ của đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi này, Sacombank quy định, nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng vốn trước thời gian đáo hạn thì khách hàng có thể chiết khấu hoặc cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay lại.

Khách hàng được chiết khấu khi đã nắm giữ chứng chỉ tiền gửi tối thiểu 1/2 thời gian kể từ ngày phát hành và thời gian chiết khấu là thời hạn còn lại của chứng chỉ tiền gửi được. Trường hợp khách hàng cầm cố chứng chỉ tiền gửi, tỷ lệ cho vay/mệnh giá chứng chỉ tiền gửi sẽ được tính theo quy định của Sacombank về cho vay cầm cố.

Thậm chí, khi ngân hàng “ưu đãi” cho phép khách hàng chủ động nguồn vốn đột xuất bằng cách thanh toán trước hạn thì mức lãi suất mà khách hàng được hưởng cũng không hề hấp dẫn.

Như trong quy định phát hành chứng chỉ tiền gửi của một ngân hàng lớn, lãi suất thanh toán trước hạn được căn cứ vào thời gian thực gửi, cụ thể: dưới 1 tháng hưởng lãi suất không kỳ hạn; từ 1 – 3 tháng lãi suất bằng 45% lãi suất cam kết; từ 3 – 6 tháng bằng 50% lãi suất cam kết; từ 6 – 9 tháng bằng 60% lãi suất cam kết và từ 9-12 tháng bằng 70% lãi suất cam kết.

Bởi vậy, theo bà trợ lý trên, mặc dù có lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhưng người mua cần tính toán kỹ, chỉ nên mua khi đã kế hoạch hóa được việc sử dụng vốn của mình.

Đặc biệt, người mua nên nắm rõ mức lãi suất cho vay nếu ngân hàng quy định chỉ có thể rút vốn bằng cách cầm cố giấy tờ có giá để vay lại tiền hoặc mức lãi suất thanh toán trước hạn nếu được phép thanh toán trước.

Comments are closed.