Mua bảo hiểm: “Tiền nào, của nấy”

(ĐTCK-online) Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) Việt Nam còn giàu tiềm năng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho mỗi DN. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đức Song, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm SHB – Vinacomin xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường BHPNT Việt Nam?

Có thể nói, tiềm năng của thị trường BHPNT Việt Nam còn rất lớn mà chưa khai thác được. Nhiều lĩnh vực bảo hiểm hầu như bỏ trống như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, thậm chí bảo hiểm bắt buộc như trách nhiệm dân sự chủ xe môtô, tỷ lệ tham gia bảo hiểm chỉ chiếm chưa đến 30%… Doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 2,5% GDP (thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực và các nước có nền kinh tế phát triển).

Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế – xã hội còn hạn chế, trình độ dân trí, sự hiểu biết và thói quen mua bảo hiểm còn rất khiêm tốn. Mặt khác, những năm gần đây, ngành bảo hiểm đã có bước phát triển đáng ghi nhận, song cả về quy mô, tiềm lực, trình độ, công nghệ, nguồn nhân lực… chưa đủ sức để tạo ra bước đột phá nhằm phát triển thị trường BHPNT. Đôi khi, sự cạnh tranh không lành mạnh còn có tác động xấu, kìm hãm sự phát triển của thị trường BHPNT.

Có ý kiến cho rằng, thị trường BHPNT Việt Nam có thể tăng trưởng đến 25% trong năm nay. Nhận định như vậy có quá lạc quan, thưa ông?

Theo tôi, nhận định trên là có cơ sở. Thực tế, mặc dù nền kinh tế toàn cầu trong cơn bão khủng hoảng, nhưng năm 2007 doanh thu phí BHPNT Việt Nam đạt khoảng 8.258 tỷ đồng, tăng 28,97% so với năm trước; năm 2008, doanh thu phí BHPNT đạt 10.855 tỷ đồng, tăng 31,44% so với năm 2007; 6 tháng đầu năm 2009, doanh thu BHPNT đạt 6.442 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2008.

Sáu tháng đầu năm 2009, một số tập đoàn, doanh nghiệp nộp phí bảo hiểm nhiều gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4%/năm của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng và thực tế là đang có chuyển biến tích cực. Hơn nữa, nhiều hợp đồng bảo hiểm lớn tập trung vào 6 tháng cuối năm. Như vậy, nhận định trên là có cơ sở, chứ không phải là quá lạc quan.

Hiện nay, doanh nghiệp BHPNT mới tập trung vào các sản phẩm truyền thống. Vì sao doanh nghiệp không mở rộng sang các sản phẩm mới như bảo hiểm dịch vụ tài chính – tín dụng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, trong khi nhu cầu đối với các loại sản phẩm này trên thị trường là không nhỏ?

Nhìn chung, doanh nghiệp BHPNT chưa thực sự chú trọng đến tầm nhìn chiến lược lâu dài, mà chỉ ở mức độ trung và ngắn hạn. Bởi lẽ, các sản phẩm truyền thống thì có thể triển khai ngay do có sẵn thị trường, sẵn khách hàng… Còn sản phẩm mới hoặc mang tính kỹ thuật cao thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, mà phải có điều kiện nhất định. Đồng thời, phải chấp nhận tính 2 mặt của “người” tiên phong đó là “thành công lớn, nhưng cũng có thể thất bại nhiều”.

Một vấn đề nữa là hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay đều là CTCP, nên sức ép về hiệu quả, cổ tức cũng đặt ra hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc mở rộng các sản phẩm bảo hiểm mới yêu cầu phải có đầu tư, có thời gian và thậm chí sự mạo hiểm…, nên doanh nghiệp BHPNT chưa thực sự quan tâm. Ngoài ra, một số lý do nữa liên quan đến trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật.

Mặc dù đã có chế tài, nhưng việc hạ phí để cạnh tranh trong lĩnh vực BHPNT vẫn diễn ra. Ông nghĩ gì về vấn đề này và phí có phải là vấn đề cốt tử trong cạnh tranh kinh doanh bảo hiểm?

Phải nói rằng, hạ phí quá nhiều là việc làm phi kỹ thuật trong bảo hiểm, thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, tác động xấu đến thị trường. Theo tôi, đây là một trong những tiềm ẩn rủi ro của thị trường BHPNT Việt Nam. Điều này ảnh hưởng không tốt đến cả doanh nghiệp bảo hiểm và thị trường, hệ quả cụ thể nhìn thấy ngay là tỷ lệ bồi thường một số nghiệp vụ của các doanh nghiệp rất cao (khoảng 80 – 90%). Các cơ quan chức năng, nhà quản lý cần có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh hiện tượng này, nhằm góp phần thúc đẩy thị trường BHPNT Việt Nam phát triển một cách bền vững.

Theo tôi, phí bảo hiểm không phải là vấn đề cốt tử trong cạnh tranh, mà phải là sản phẩm có đáp ứng tốt nhu cầu bảo hiểm hay không và chất lượng dịch vụ sau bán hàng có tốt không? Ngoài ra, còn là thương hiệu, văn hoá của doanh nghiệp đó. Trên góc độ kinh tế, doanh nghiệp bảo hiểm (người bán) đặt ra vấn đề tìm kiếm lợi nhuận, còn người mua quan tâm nhiều đến sản phẩm, giá cả và chất lượng. Vì vậy, mặc dù quyền lợi có xung đột, nhưng cả người bán và người mua cần phải hiểu rằng “tiền nào, của nấy”. Đặc biệt, khi điều kiện sống, trình độ dân trí ngày càng nâng lên, thì nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao, trong đó có dịch vụ bảo hiểm cũng tăng theo (đương nhiên là giá không rẻ). Như vậy, phí bảo hiểm không phải là vấn đề cốt tử trong cạnh tranh.

Thanh Đoàn thực hiện.

 

Nguồn “Đầu tư Chứng khoán điện tử”

Comments are closed.