Mua bảo hiểm qua môi giới, ít vì sao?

Khái niệm môi giới bảo hiểm đối với DN Việt Nam còn khá mới mẻ.(ĐTCK-online) Nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm cùng có chung nhận định, mặc dù là một dịch vụ cấu thành nên thị trường bảo hiểm Việt Nam nhưng với thị phần thu xếp phí bảo hiểm thông qua môi giới như hiện nay, hoạt động môi giới bảo hiểm vẫn rất khiêm tốn.

Lợi ích lớn

Khác biệt lớn nhất khi một DN đi mua bảo hiểm trực tiếp và mua thông qua các công ty môi giới chuyên nghiệp là, thay vì tiếp cận một sản phẩm với một mức giá thì họ được biết đến rất nhiều sản phẩm với nhiều mức giá cạnh tranh. Thông qua nhà môi giới bảo hiểm, DN được tiếp cận với toàn bộ thị trường bảo hiểm. Với chức năng của mình, các DN môi giới bảo hiểm sẽ bắt tay với rất nhiều DN bảo hiểm để bán hàng. Điều này giúp khách hàng được hưởng một mức phí cạnh tranh so với mua bảo hiểm trực tiếp nhờ vào hiệu quả của sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm khi “chào hàng” với nhà môi giới.

Ngoài ra, khi mua bảo hiểm qua môi giới, DN sẽ được công ty môi giới bảo hiểm quản lý toàn bộ chương trình bảo hiểm của mình trong suốt quá trình bảo hiểm có hiệu lực. Khi tổn thất xảy ra, khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ hỗ trợ khiếu nại đòi bồi thường từ công ty môi giới. Điều đáng nói là DN được hưởng tất cả những lợi ích trên mà không phải tốn thêm chi phí nào. Bởi khi có sự tham gia của nhà môi giới bảo hiểm vào quá trình dịch vụ khách hàng, công việc của công ty bảo hiểm được khách hàng lựa chọn sẽ giảm đáng kể, nhiều phần việc được thực hiện bởi nhà môi giới. Do vậy, công ty bảo hiểm sẽ trích một tỷ lệ nhất định từ phí bảo hiểm (tỷ lệ này được Luật Bảo hiểm quy định) để trả cho nhà môi giới.

 

Chưa phát triển vì cơ chế hoa hồng?

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước cả năm 2009 đạt khoảng 1.581 tỷ đồng trên doanh thu phí bảo hiểm ước cả năm khoảng 24.646 tỷ đồng. Năm 2008, doanh thu phí bảo hiểm được thu xếp qua các công ty môi giới bảo hiểm đạt 1.856 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ của toàn thị trường; trong khi tỷ lệ này là 12% trong năm 2007. Nhìn ra các nước trên thế giới và trong khu vực, có thể thấy tỷ lệ phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ở Việt Nam còn quá khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng của thị trường trong giai đoạn nền kinh tế đang phát triển như hiện nay. Trên thế giới, môi giới bảo hiểm là kênh phân phối bảo hiểm chủ đạo, chiếm tới 90% ở Anh và Canada, 75% ở Mỹ, 85% ở Australia. Ngay ở các nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan, tỷ lệ này cũng chiếm tới 30%.

Trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua, mới chỉ có các DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc mua bảo hiểm thông qua nhà môi giới. Gần đây, đã bắt đầu có một số tập đoàn kinh tế tư nhân và công ty cổ phần tìm hiểu hình thức mua bảo hiểm thông qua công ty môi giới chuyên nghiệp.

Lợi ích là khá rõ ràng, nhưng vì sao các DN còn ngại tham gia? Theo một số DN môi giới bảo hiểm, một phần nguyên nhân do khái niệm môi giới bảo hiểm đối với DN Việt Nam còn khá mới mẻ, thậm chí còn có sự đánh đồng môi giới bảo hiểm với môi giới thương mại thông thường. Nghĩa là mua bảo hiểm thông qua môi giới sẽ phải chịu mức phí khá cao. Một nguyên nhân nữa là khi mua bảo hiểm trực tiếp từ các DN bảo hiểm, khách hàng sẽ được hưởng một mức hoa hồng nhất định – điều mà các DN môi giới bảo hiểm, nhất là DN nước ngoài không làm được. Chính vì thế, các DN Việt Nam mà phổ biến là DNNN, thường thực hiện việc mua bảo hiểm trực tiếp thay vì thông qua nhà môi giới. Ngoài ra, còn có nhiều lý do khiến DN chưa mặn mà mua bảo hiểm qua môi giới, như ngại về thủ tục, quan hệ đối tác làm ăn. Ví dụ, các DN trong một ngành sẽ ưu tiên mua bảo hiểm trực tiếp của một DN bảo hiểm thuộc ngành đó, thay vì mua của DN bên ngoài hoặc thông qua công ty môi giới bảo hiểm…

Tuy nhiên, bằng chất lượng dịch vụ của mình, các công ty môi giới bảo hiểm có thể làm thay đổi cách nhìn nhận của khách hàng về việc mua bảo hiểm từ nhà môi giới. Điều này có thể diễn ra trong vài năm tới.

Thanh Đoàn

Comments are closed.