Nhiều doanh nghiệp mất hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng do tỷ giá USD biến động. Thế nhưng, dịch vụ bảo hiểm tỷ giá nhằm hạn chế rủi ro khi có biến động tỷ giá được các ngân hàng triển khai từ lâu nhưng chưa được doanh nghiệp “ngó” tới.
Nếu USD tăng so với VND thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu thiệt hại do chênh lệch tỷ giá và ngược lại thì bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thời gian qua, tỷ giá biến động khá thất thường. Có thời điểm không ít doanh nghiệp phải chật vật mua USD ngoài “chợ đen” với giá cao hơn nhiều so với giá bán của các ngân hàng để nhập nguyên liệu sản xuất.
Một doanh nghiệp chuyên về sản xuất thức ăn gia súc tại khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) kể, đầu tháng 2, khi tỷ giá ở mức 17.250 VND/USD, công ty đã nhập hơn chục tấn nguyên liệu. Nhưng khi hàng về tới cảng thì công ty không “thu xếp” được USD: vay và mua ở ngân hàng đều không được nên phải gom ở “chợ đen” với giá cao ngất ngưởng: 18.100 VND/USD.
Trước đó, trong năm 2008, có thời điểm tỷ giá lên trên 18.000 VND/USD khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn. Công ty Nhựa Bình Minh thiệt hại mỗi tháng 6 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may VN thiệt hại gần 50 tỷ đồng từ chênh lệch giữa giá USD bán cho ngân hàng thương mại và giá mua USD phục vụ mua nguyên liệu thời điểm tháng 5 và 6/2008. Cùng thời điểm trên, Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC) thiệt hại nặng vì biến động tỷ giá. Với khoản vay khoảng 37 tỷ Yên Nhật, PPC phải chịu thiệt kép khi VND trượt giá so với USD, còn USD giảm giá so với Yên Nhật. Tính từ tháng 9 đến tháng 11/2008, Yên Nhật đã tăng giá 20%-25% so với USD, điều đó có nghĩa PPC bỗng chốc “bốc hơi” hàng tỷ đồng.
Không chỉ thế, đại diện của Công ty cổ phần nhựa Thiếu Niên Tiền Phong còn cho biết: “Nhiều khi doanh nghiệp có USD bán thì ngân hàng không mua hoặc “ép” mua với giá rẻ. Còn khi doanh nghiệp cần USD để nhập hàng thì ngân hàng lại không cho vay hoặc không có để bán”. Đó cũng là tình trạng mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Bà Phạm Thanh Thủy, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh ngoại hối ABBank, cho biết: “Hiện, có các ngân hàng như Eximbank, Vietinbank, Vietcombank, Sacombank, ACB … triển khai dịch vụ bảo hiểm tỷ giá cho doanh nghiệp. Thế nhưng vì chưa có thói quen nên đến nay số doanh nghiệp XNK sử dụng dịch vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Theo bà Thủy, nguyên nhân chủ yếu khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với dịch vụ này vì lâu nay tỷ giá được Ngân hàng nhà nước “bảo hộ” và tỷ giá VND/USD thường dao động với biên độ nhỏ nên phân lớn họ rất chủ quan và ỷ lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây tỷ giá trong và ngoài nước liên tục biến động nên tình hình đã khác.
Cùng quan điểm trên, ông Đặng Phương Bình, Giám đốc Dong A Bank cho rằng: “Nếu sử dụng dịch vụ bảo hiểm tỷ giá, các doanh nghiệp có thể không mất hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhưng vì mất phí dịch vụ từ 1% đến 2% trên tổng số tiền mua trước nên hầu hết họ đều không muốn sử dụng dịch vụ. Bỏ ra một đồng chi phí nhưng lợi cả trăm đồng song doanh nghiệp chưa nhận biết hết lợi ích của loại hình bảo hiểm tỷ giá”.
Giám đốc một công ty chuyên về may mặc ở TP HCM cho biết, cuối năm 2008, công ty nhập số nguyên liệu trị giá 15 triệu USD, với tỷ giá thời điểm đó là 16.500 VND/USD nhưng tới thời điểm này mới thanh toán thì giá là 17.481 VND/USD. “Nếu không có bảo hiểm tỷ giá thì công ty đã mất hàng tỷ đồng do chênh lệch này”. Thế nhưng vị giám đốc này cũng thừa nhận hiện công ty chưa lập được bộ phận chuyên trách về tài chính ngoại hối nên rất khó sử dụng dịch vụ này. Trong khi đó, để sử dụng tốt dịch vụ bảo hiểm tỉ giá, doanh nghiệp phải dự báo được giá ngoại tệ trong tương lai, nếu dự đoán sai sẽ lỗ.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tình hình ngoại tệ năm 2009 có thể biến động, do đó sẽ tiếp tục gây sức ép đói với doanh nghiệp. Tình hình đó, bảo hiểm tỷ giá sẽ là công cụ khá hữu hiệu để doanh nghiệp giảm rủi ro.
Theo Baohiem.pro.vn
Comments are closed.