Một năm đánh dấu sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về BHTNDS bắt buộc chủ xe

giao_thong_hn.jpgCó thể nói, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thay thế Nghị định 115/1997/NĐ-CP) và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã đánh dấu sự hoàn thiện đáng kể về hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với loại hình bảo hiểm này.

Sau hơn 10 năm được thực hiện theo Nghị định 115/1997/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những người tham gia giao thông, kịp thời ổn định cuộc sống và tình hình tài chính của chủ xe cơ giới, người bị tai nạn giao thông sau khi xảy ra tai nạn thông qua công tác trả tiền bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm từ các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo số liệu thống kê giai đoạn 2003-2007 cho thấy: (i) Số lượng xe cơ giới được bảo hiểm tăng dần qua các năm, cụ thể là số ô tô được bảo hiểm tăng bình quân 7,3%/năm; số xe máy được bảo hiểm tăng bình quân 15,2% năm; (ii) Doanh thu phí bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới tăng 22,9%/năm; (iii) Bồi thường bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới tăng bình quân 15%/năm. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường trên 120 ngàn vụ tai nạn giao thông với số tiền bồi thường trên 1000 tỷ đồng.

Cùng với việc bồi thường bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm cho người bị tai nạn, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã trích trên 115 tỷ đồng để thực hiện công tác đề phòng và hạn chế tổn thất, góp phần tích cực trong việc làm giảm tai nạn giao thông thời gian qua, cụ thể như: hỗ trợ xây dựng hành lang an toàn đường bộ, đường sắt tại một số địa phương; hỗ trợ xây dựng nhiều biển báo đề phòng tai nạn giao thông, phát hành áp phích hạn chế tốc độ nguy hiểm; hỗ trợ hội thi lái xe giỏi toàn quốc,…

Tuy nhiên, do số lượng xe cơ giới tăng lên nhanh chóng làm tăng số vụ tai nạn giao thông, mức độ thiệt hại về người và tài sản theo đó cũng tăng nên việc thực hiện Nghị định 115/1997/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát sinh một số tồn tại cần phải khắc phục như:

Các hạn chế về mặt nội dung

– Khái niệm chủ xe cơ giới, xe cơ giới trong các quy định hiện hành chưa thống nhất với các quy định tại Luật giao thông đường bộ; các khái niệm về hành khách và người thứ ba (là các đối tượng chính của chế độ bảo hiểm này) chưa được quy định cụ thể dẫn đến việc xác định trách nhiệm bảo hiểm trong nhiều vụ tai nạn gặp nhiều khó khăn, gây tranh cãi,…

– Các quy định liên quan đến khai thác, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm, giám định thiệt hại, loại trừ, nguyên tắc bồi thường và mức bồi thường bảo hiểm…chưa được cụ thể hoá, dẫn đến phát sinh tranh chấp trong nhiều vụ tai nạn giao thông, làm cho công tác giải quyết bồi thường gặp nhiều khó khăn.

– Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm này chưa cụ thể, rõ ràng, nhất là việc mua, bán bảo hiểm; nộp phí bảo hiểm; thu thập hồ sơ đòi bồi thường dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết bồi thường, lợi dụng để trục lợi bảo hiểm.

Các hạn chế về triển khai thực hiện

– Việc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS là quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, tuy nhiên số lượng xe cơ giới tham gia bảo hiểm còn thấp. Năm 2007, cả nước có khoảng 1.102.900 ô tô và 21.615.960 mô tô, gây ra 14.504 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12.982 người và bị thương 10.628 người. Trong khi đó, mới chỉ có 68,51% xe ô tô và 30,08% xe mô tô đang lưu hành tham gia bảo hiểm, dẫn đến rất nhiều trường hợp xe cơ giới không tham gia bảo hiểm gây tai nạn nhưng chủ xe không có khả năng về tài chính để bồi thường cho người bị nạn hoặc nhiều trường hợp chủ xe cơ giới gây tai nạn bỏ trốn, không xác định được đã gây rất nhiều khó khăn cho nạn nhân và gia đình của họ.

– Công tác xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với đối với chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới chưa được thực hiện tốt, các hành vi vi phạm, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt chưa được quy định rõ ràng.

– Các nội dung về chế độ hạch toán, báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin cũng chưa được quy định rõ, do vậy gặp nhiều khó khăn trong công tác thống kê, đánh giá rủi ro, tình hình thị trường và phân tích dự báo thị trường, ảnh hưởng đến công tác quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý.

– Công tác phối hợp: mặc dù Nghị định 115/1997/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm của các Bộ ngành có liên quan và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm này. Tuy nhiên, trên thực tế, các trách nhiệm này chưa rõ ràng, đặc biệt là công tác phối hợp giữa ngành bảo hiểm, Bộ Tài chính với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chưa được chặt chẽ và liên tục nên có nhiều chủ xe cơ giới chưa chấp hành chế độ bảo hiểm này.

Bên cạnh đó, sau hon 10 năm thực hiện thì các căn cứ pháp lý ban hành Nghị định 115/1997/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi và được thay thế bằng các văn bản mới như: Bộ Luật dân sự năm 2005; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Xử lý vi phạm hành chính năm 2008; và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, do đó Nghị định 115/1997/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định mới của pháp luật.

Với tinh thần trên, Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Thông tư 126/2008/TT-BTC đã được Chính phủ và Bộ Tài chính xây dựng, ban hành theo các nguyên tắc: Kế thừa các nội dung còn phù hợp của các quy định cũ, chỉ sửa đổi bổ sung những nội dung không còn phù hợp; Đảm bảo sự phù hợp, đồng bộ và nhất quán với hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành; Tham khảo, vận dụng kinh nghiệm triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới của một số nước có điều kiện kinh tế – xã hội tương tự Việt Nam; Thực hiện cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định, minh bạch nhằm tạo thuận lợi đối với người được bảo hiểm, người bảo hiểm và nạn nhân bị tai nạn giao thông trong quá trình triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. 
 
Một số nội dung chính của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Thông tư 126/2008/TT-BTC

– Nghị định 103/2008 và Thông tư 126/2008/TT-BTC quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan báo chí, DNBH và Hiệp hội bảo hiểm phải đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa nhân đạo của chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.

– Quy định rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và của chủ xe cơ giới trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm này. Bổ sung khái niệm hành khách, người thứ ba nhằm xác định rõ các đối tượng này trong các vụ tai nạn, qua đó góp phần hạn chế trục lợi bảo hiểm và làm giảm tranh chấp phát sinh giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới.

– Quy định cụ thể về thời hạn bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất chế độ bảo hiểm này, phân biệt rõ bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Quy định cụ thể hơn về hồ sơ bồi thường, giám định thiệt hại, mức bồi thường, thời hạn yêu cầu, thanh toán và khiếu nại nhằm giảm thời gian giải quyết bồi thường, qua đó, nạn nhân có thể nhanh chóng nhận được tiền bồi thường bảo hiểm.

– Quy định việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, trong đó kết nối, chia sẻ thông tin giữa Bộ Giao thông vận tải (tình hình xe đăng kiểm), Bộ Công an (tình hình xe đăng ký, tai nạn, vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) và Bộ Tài chính, ngành Bảo hiểm (tình hình xe tham gia bảo hiểm, bồi thường).

– Quy định về thành lập Quỹ bảo hiểm xe cơ giới với kinh phí đóng góp từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm hỗ trợ công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, đề phòng tai nạn giao thông; hỗ trợ bồi thường nhân đạo và thực hiện các nội dung khác nhằm bảo đảm thực hiện tốt bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.

– Quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác phối hợp triển khai, hướng dẫn và giám sát thực hiện. Đặc biệt là trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và ban hành bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới; Bộ Công an trong việc kiểm tra, giám sát các chủ xe tham gia bảo hiểm thông qua công tác đăng ký và kiểm tra xe; Bộ Giao thông vận tải trong việc giám sát các chủ xe tham gia bảo hiểm thông qua công tác đăng kiểm,…

– Quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính, nguyên tắc phạt, mức phạt, thẩm quyền phạt đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới và các đối tượng có liên quan trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới nhằm nâng cao tính tuân thủ các quy định pháp luật.

Bên cạnh việc ban hành Thông tư 126/2008/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện và ký ban hành Thông tư liên tịch  Bộ Tài chính – Bộ Công an hướng dẫn phối hợp trong công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, quy định trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong việc chấp hành chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành các quy định về bảo hiểm của chủ xe cơ giới.

Với hàng loạt những văn bản mới về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiện dân sự của chủ xe cơ giới nêu trên, cùng với sự quyết tâm, nghiêm túc trong triển khai thực hiện từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm, sự tăng cường trong công tác tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, giám sát của Bộ Công an, Bộ Tài chính và trên hết là nhận thức của người dân, của xã hội, hy vọng rằng năm 2009 sẽ tiếp tục là một năm thành công đối với việc triển khai loại bảo hiểm bắt buộc này, một loại hình bảo hiểm bắt buộc nhằm phục vụ cho mục đích an sinh xã hội.

 
Phạm Đình Trọng
Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm

Comments are closed.