Miếng bánh san cho doanh nghiệp mới

Tại thị trường Việt Nam, “đất đai” dành cho bảo hiểm nhân thọ vẫn còn rất rộng. (ĐTCK-online) Với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tham gia thị trường trong thời gian qua, nhất là khi các doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước được kinh doanh bình đẳng trên hầu hết các lĩnh vực bảo hiểm theo lộ trình WTO, thì thị phần trên thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang có sự thay đổi khá rõ nét. Miếng bánh thị phần bảo hiểm nhân thọ đang được phân chia lại. Theo một ước tính sơ bộ, năm 2009 Prudential tiếp tục dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới (FYP) với 31%, Bảo Việt đứng thứ hai với 28%, Manulife đứng thứ ba với 10%. ACE Life và AIA Life hiện đang theo sát nhau ở vị trí thứ tư và thứ năm với khoảng 9% dành cho mỗi công ty. Dai-ichi Life Việt Nam chiếm khoảng 7%, Prevoir khoảng 2%. Ba công ty còn lại là Cathay Life, Great Eastern và Korea Life chiếm dưới 4% thị phần.

Do thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn nên việc các công ty bảo hiểm cũ bị mất thị phần về các công ty bảo hiểm mới gia nhập thị trường là điều bình thường. Chẳng hạn như Dai-ichi Life Việt Nam, khi mua lại Bảo Minh – CMG thì thị phần lúc đó là 4,8%, nhưng hiện nay con số đã tăng lên khoảng 7%. Mục tiêu của doanh nghiệp này tới năm 2012 là có được 10% thị phần.

Giám đốc maketing một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới vào Việt Nam mới đây cho rằng, “để thực sự có tiếng nói trong thị trường bảo hiểm, bạn cần có thị phần từ 10% trở lên”. 10% tuy không quá lớn, nhưng đây cũng không phải là một mục tiêu đơn giản, vì hầu như công ty nào cũng cố gắng vươn tới vị trí đứng đầu, trong khi phải vượt qua các thách thức về khả năng nhận diện thương hiệu, quy mô và chất lượng của hệ thống phân phối, sự thu hút của sản phẩm, khả năng tài chính và quyết tâm của nhà đầu tư cũng như đội ngũ lãnh đạo công ty.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, rất khó đưa ra câu trả lời phải mất bao nhiêu thời gian để một doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm lĩnh được khoảng 10% thị phần có thể đứng vào hàng “top 5” các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thị phần lớn nhất thị trường. Dai-ichi Life Việt Nam dù đã có những nỗ lực đáng ghi nhận khi đã nắm trong tay 7% thị phần sau một thời gian cơ cấu lại tổ chức và nhân sự, nhưng hiện doanh nghiệp này đã bị AIA và ACE Life vượt qua.

Khả năng lấn át thị phần bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới bước vào thị trường, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, đang ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt. Chẳng hạn như Korea Life, tuy mới vào thị trường nhưng cũng đã bỏ xa Great Eastern và nếu chỉ so sánh doanh thu phí bảo hiểm mới trong 9 tháng cuối năm 2009 thì Korea Life cũng đã vượt qua Cathay Life. Thị trưởng bảo hiểm nhân thọ Việt Nam năm 2010 được nhận định sẽ xảy ra những cuộc “soán ngôi” ngoạn mục giữa doanh nghiệp cũ và doanh nghiệp mới. Theo một nguồn tin, trong năm 2010, có thể có thêm một vài doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nữa chính thức bước chân vào thị trường.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không tỏ ra lo ngại về sự tăng tốc của các doanh nghiệp bảo hiểm mới.

“Thị phần cũng quan trọng, nhưng chúng tôi sẽ không bằng mọi cách để có được thị phần nhiều hơn. Bán được sản phẩm cũng tốt, nhưng đối với bảo hiểm nhân thọ, điều quan trọng hơn là phải tìm cách duy trì được hợp đồng đó một cách lâu dài. Nếu chỉ vì mục tiêu doanh thu mà tuyển dụng, đào tạo những tư vấn kém chất lượng thì không những doanh nghiệp mất uy tín, mất thị phần, mà còn ảnh hưởng đến toàn thị trường”, vị lãnh đạo này nói và nhận định, “để thành công với bảo hiểm nhân thọ, không chỉ có sản phẩm, mà phải có yếu tố con người rất vững, có dịch vụ tốt. Sâu xa hơn là một hệ thống đủ quy chuẩn để phục vụ tốt cho mỗi khách hàng đến suốt cuộc đời, chứ không phải chỉ ngắn hạn trước mắt. Bảo hiểm nhân thọ là một cuộc chơi dài”.

Thực tế, tại thị trường Việt Nam, “đất đai” dành cho bảo hiểm nhân thọ vẫn còn rất rộng nên các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội để thi thố tài năng, giành thị phần xứng tầm với thương hiệu của mình. Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, dù phát triển khá mạnh mẽ, nhưng hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ tập trung khai thác một số nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống, những sản phẩm bảo hiểm mới được triển khai chưa nhiều, dịch vụ bảo hiểm ở khu vực nông nghiệp và nông thôn chưa được chú trọng… Các nhà hoạnh định chính sách về thị trường bảo hiểm dự báo, trong năm 2010 và 2011, mức tăng trưởng của thị trường bảo hiểm ổn định từ 12 – 13%/năm; doanh thu phí bảo hiểm đạt 28.000 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư đạt 7.000 tỷ đồng.

Ngọc Lan

Comments are closed.