Mạo hiểm… bảo hiểm

(ANTĐ) – Cách đây chừng hai chục năm, bảo hiểm nông nghiệp đã từng một lần được Công ty Bảo hiểm Bảo Việt triển khai “thử” ở tỉnh Nam Định. Đến năm 1998 lại được thực hiện tại 26 tỉnh, thành và cũng bất thành. Dự kiến, ngày 1-7 năm nay, bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành. Hàng chục triệu nông dân nước ta lại thấp thỏm hy vọng, những gánh nặng thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh “kinh niên” sẽ được san sẻ, vơi nhẹ phần nào.

Theo Quyết định số 315/TTg, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ 80% cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo tham gia thí điểm và 60% cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm. Đó là “liều thuốc” kích thích để nông dân hăng hái tham gia. Trong khi đó, nguyên tắc của doanh nghiệp bảo hiểm là mong muốn càng đông nông dân tham gia càng tốt để có thể hạch toán bù cho số ít bị thiệt hại. Tuy nhiên, từ những lần thử nghiệm trước đây không thành cũng cho thấy, đối với những loại cây trồng, vật nuôi ít rủi ro thì nông dân chẳng mặn mà gì tới chuyện bảo hiểm, thì các công ty bảo hiểm lại rất “thiết tha”.

Trái lại, với những loại độ rủi ro cao, nông dân rất “khát khao” được bảo hiểm, thì phía công ty thường kém mặn mà. Sản xuất nông nghiệp từ nghìn đời nay luôn phải “trông mưa, trông nắng” rồi “trông trời, trông đất”, mà rủi ro vẫn chẳng buông tha. Hơn thế, hiện nay hầu hết nông dân từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đều theo “đường mòn” sản xuất tự phát, mỗi người mỗi kiểu, làm ăn manh mún, lại tham gia bảo hiểm với số ít. Hỏi công ty nào dám “mạo hiểm” ký hợp đồng với hàng triệu nông dân” Chưa nói đến chuyện quản lý sao cho có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho họ. Liệu nhà nông có chịu “nghe theo” các yêu cầu về chuẩn mực trong chăn nuôi, trồng trọt để thực hiện tốt hợp đồng?

Còn nhớ, cách đây khoảng chục năm, một công ty bảo hiểm của Pháp cũng đã “nhảy vào” bảo hiểm cho các hộ nông dân ở Nam bộ với mức phí bảo hiểm từ 0,9-2 triệu đồng/ha. Chỉ sau có một niên vụ, công ty này thu phí bảo hiểm cho tôm sú tổng cộng chỉ được 30 triệu đồng, thế nhưng chi phí bồi thường cho nông dân đã lên tới 400 triệu đồng. Vậy là “mất cả chì lẫn chài”. Đố có công ty nào tiếp tục “mạo hiểm” bảo hiểm cho nông dân. Giả sử nếu để cho các công ty được nâng mức phí lên đủ mức cần thiết, ít nhất cũng bằng ngưỡng rủi ro, chắc chắn bà con nông dân cũng “lắc đầu” khó chấp nhận, vì chi phí quá cao.

Bài học bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta cho thấy, nhiều hộ nông dân đã từng nô nức tham gia nhưng đã bị công ty bảo hiểm từ chối đền bù vì không thể thẩm định được mức độ rủi ro. Cuối cùng nông dân cũng đành “ngậm đắng nuốt cay” khi có quá nhiều yếu tố trói buộc họ. Đặc biệt ở thời điểm hiện nay, khi chi phí đầu vào như vật tư nông nghiệp, giá thuốc bảo vệ thực vật, thú y… đều tăng. Nếu chỉ thí điểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp, liệu nông dân có thực sự hào hứng tham gia.

Trong lĩnh vực bảo hiểm từ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, cháy nổ tới bảo hiểm tính mạng, có lẽ bảo hiểm nông nghiệp có độ rủi ro cao nhất. Rủi ro cao thì càng cần phải bảo hiểm, song, nhà nông muốn bớt rủi ro thì phải hội đủ điều kiện để cả công ty bảo hiểm lẫn nông dân không rơi vào tình thế… mạo hiểm.

Đan Thanh
Báo An ninh Thủ đô

Comments are closed.