Mảng bán lẻ bảo hiểm chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt

Dự kiến, thị trường bảo hiểm chuẩn bị đón nhận thêm một công ty bảo hiểm phi nhân thọ vốn ngoại vào cuối năm 2017. Cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn ngoại khác khi bước chân vào Việt Nam, mảng bán lẻ chính là mục tiêu hướng tới trong việc xây dựng thương hiệu, cũng như chinh phục thị trường.

bán lẻ bảo hiểm cạnh tranh gay gắt

Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, từ năm 2011 đến 2016, tỷ trọng doanh thu nhóm bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe – hai nghiệp vụ bán lẻ trọng tâm – trên tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã tăng từ 46% lên 60%.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏe gia đìnhbảo hiểm cho bémua bảo hiểm cho con

Điều này cho thấy, xu hướng thúc đẩy hoạt động bán lẻ đang diễn ra mạnh mẽ trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Bên cạnh đó, sự tham gia của 29 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam ở phân khúc này cũng khiến cho sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Các sản phẩm bán lẻ thường được các công ty bảo hiểm đẩy mạnh là bảo hiểm cơ giới, bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm du lịch và một vài sản phẩm khác thuộc thị trường ngách với doanh thu còn rất nhỏ…

Nếu như vài năm trước, bảo hiểm xe cơ giới đã từng là tâm điểm của cuộc cạnh tranh trong việc chiếm lĩnh thị phần bán lẻ, tăng doanh thu của hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thì hiện nay, phân khúc bảo hiểm sức khỏe con người dự báo sẽ là “điểm nóng” mới.

Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt gần 20 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 12%, trong đó riêng bảo hiểm xe cơ giới đã đạt doanh thu gần 7 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33% tổng doanh thu toàn thị trường, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, mức tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2017 không bằng những năm trước bởi một số doanh nghiệp bảo hiểm đã điều chỉnh kế hoạch phát triển ở phân khúc này theo xu hướng chất hơn lượng, nhằm giảm tỷ lệ bồi thường.

Một sản phẩm bán lẻ quan trọng nữa là bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27% trên tổng doanh thu và tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Để tạo lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp bảo hiểm đang đầu tư nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tập trung vào thị trường ngách, đặc thù riêng với từng yêu cầu của khách hàng. Ví dụ, PTI vừa ra mắt sản phẩm bảo hiểm Car 3 và Car 5 với mức phí bảo hiểm chỉ bằng 50% đến 70% so với mức phí bảo hiểm thông thường.

Sản phẩm này hướng đến những khách hàng đã có kinh nghiệm lái xe và muốn tiết kiệm thời gian khi làm hồ sơ yêu cầu bồi thường. Hoặc trong năm 2016, Bảo Việt đã giới thiệu sản phẩm bảo hiểm K-care tập trung bảo vệ khách hàng trước những rủi ro về bệnh ung thư…

Bên cạnh đó, các sản phẩm đã được đầu tư “đóng gói”, xây dựng theo đặc điểm khách hàng của từng kênh phân phối. Cùng một dòng sản phẩm, nhưng nếu được bán qua kênh ngân hàng sẽ có quyền lợi, mức phí, điều kiện điền khoản khác với bán trên kênh online và kênh bán hàng trực tiếp.

Mặc dù doanh thu qua kênh online chưa chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên, để đón đầu xu hướng mua hàng online đang tăng trưởng nhanh chóng hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đang tung ra hàng loạt các chương trình ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng.

Cạnh tranh tạo sự sôi động cho thị trường và mang tới nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu việc cạnh tranh phi kỹ thuật (giảm phí, mở rộng điều kiện điều khoản…) diễn ra, người tiêu dùng sẽ dễ chịu tác động tiêu cực vì thị trường nhiễu loạn.

Chẳng hạn, khách hàng được hưởng lợi nhờ mức phí thấp hay quyền lợi ưu đãi khi doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh doanh thu nhưng có thể sẽ khó tái tục hoặc phải tái tục với mức phí cao khi doanh nghiệp bảo hiểm cơ cấu lại sau thời gian tăng trưởng “nóng”.

Như với bảo hiểm sức khỏe, một số bệnh có thời gian chờ tới trên 1 năm, nếu năm nay tham gia mà năm sau không tái tục được sẽ rất thiệt hại cho người tiêu dùng khi không may gặp rủi ro.

Đây là điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm cần nhìn nhận một cách thấu đáo, bởi cuộc chiến về giá thường không đem lại lợi ích cho bất cứ ai. Các doanh nghiệp nên tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, quan tâm đến hệ thống phân phối, quy trình bán hàng… qua đó mang tới những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.

Theo (ĐTCK)