M&A ngành bảo hiểm: Sẽ có sóng!

Thương vụ Prudential mua lại Hãng bảo hiểm AIA đang khá đình đám.(ĐTCK-online) Khó khăn trong việc huy động vốn và mở rộng địa bàn khiến các cuộc mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp ngày càng nở rộ. Mặc dù thời gian qua, M&A trong lĩnh vực bảo hiểm chưa thực sự trở thành một “làn sóng” mạnh mẽ như các ngành dịch vụ sản xuất khác, nhưng xu hướng này chắc chắn sẽ lan tỏa tới ngành bảo hiểm như một xu thế tất yếu trong thời gian tới.
Hoạt động M&A năm 2010 mở đầu bằng một thương vụ kỷ lục khi Tập đoàn Bảo hiểm Prudential của Anh công bố quyết định mua lại Hãng bảo hiểm AIA thuộc Tập đoàn Tài chính AIG của Mỹ, cả hai tập đoàn này đều có công ty con tại Việt Nam. Trước đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đã chứng kiến những cuộc M&A khá đình đám. Cách đây hơn 10 năm, Công ty Bảo hiểm Allianz Việt Nam, công ty 100% vốn nước ngoài chuyển nhượng lại toàn bộ Công ty cho Công ty Bảo hiểm QBE (Australia) sau gần 7 năm hoạt động. Các điều khoản, điều kiện và việc bồi thường theo các hợp đồng bảo hiểm hiện đang có hiệu lực vẫn được QBE Việt Nam tôn trọng. Thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chứng kiến việc Ngân hàng BIDV sau khi góp vốn vào Công ty Bảo hiểm Việt – Úc thành lập Liên doanh Bảo hiểm Việt – Úc nhưng hoạt động không thành công thì ngày 28/12/2005, BIDV cũng đã chính thức mua lại liên doanh này và thành lập Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) 100% vốn của BIDV, chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2006. Hay như mới đây là vụ Dai-ichi Life của Nhật bản mua lại Bảo Minh CMG thành lập Dai-ichi Life Việt Nam, hiện Công ty này đang hoạt động khá thành công với gần 7% thị phần và tăng trưởng hàng năm luôn gấp đôi so với tăng trưởng chung của toàn thị trường…

Sự phát triển nhanh về số lượng các công ty bảo hiểm tập trung vào giai đoạn gần đây, đặc biệt đối với khối bảo hiểm phi nhân thọ đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực có kỹ năng. Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, tính đến thời điểm 31/12/2009, dù hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã đáp ứng đủ điều kiện vốn pháp định tối thiểu là 300 tỷ đồng nhưng vẫn còn một số đơn vị đang trong quá trình thực hiện tăng vốn lên 300 tỷ đồng như Bảo Long, Bảo Tín, Hùng Vương, UIC, Samsung Vina… Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực giỏi và hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ phải tìm kiếm các đối tác đầu tư nước ngoài. Năm 2007, Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Bảo Minh (KPMG) đã chính thức bắt tay với Tập đoàn AXA của Pháp bằng việc bán 16,6% cổ phần cho AXA. Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG, thị trường bảo hiểm Việt Nam là thị trường rất mở và cơ sự tham gia của rất nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài… Ông Ái cho rằng, xu hướng M&A trong lĩnh vực này sẽ diễn ra mạnh mẽ là một điều tất yếu bởi rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vẫn phải tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật ở nước ngoài.

Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm đối tác để thu hút vốn đầu tư và nguồn lực kỹ thuật của các đối tác nước ngoài không hề dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp chuyên ngành như bảo hiểm. Ông Dương Đức Chuyển, Giám đốc khối đầu tư kiêm Giám đốc khối xây dựng chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt (tập đoàn đã có cuộc nhân duyên M&A thành công với HSBC) chia sẻ: “Trong M&A, để đạt được thành công, các doanh nghiệp phải đặt mục tiêu rõ ràng là cần mua cần bán cái gì”.

Ví dụ từ Bảo Việt, khi quyết định M&A Bảo Việt đã đặt tiêu chí rất cụ thể là đối tác phải có kinh nghiệm kinh doanh, có tính tương đồng nhất định với Bảo Việt, đối tác phải cam kết đầu tư dài hạn không lướt sóng; đối tác phải cam kết hỗ trợ kỹ thuật…

“M&A không phải bán đi một phần DN để lấy tiền mà sau M&A, DN sẽ phát triển ra sao mới là điều cốt lõi. Chính vì thế, Bảo Việt tìm hiểu đối tác phải không có xung đột với Công ty, không được kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam, không mở chi nhánh, vì nếu cùng kinh doanh nghiệp vụ này tại Việt Nam, đối tác sẽ  không thể chuyển giao hết nghiệp vụ kinh doanh, cũng như các chiêu thức kỹ thuật…”, ông Chuyển nhấn mạnh. Tất nhiên, đối tác cũng tìm hiểu kỹ Bảo Việt mạnh yếu cái gì…

Nhân duyên thành công cũng như xây dựng một gia đình, phải tìm hiểu rất kỹ. Trước khi cuộc nhân duyên thành công, HSBC và Bảo Việt đã có quá trình đàm phán rất lâu dài và chi tiết.

Bằng kinh nghiệm sau thương vụ mua Bảo Minh CMG, ông Takashi Fufi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-i-chi Life Việt Nam cũng  chia sẻ: muốn M&A thành công phải có chiến lược rõ ràng: mua với mục đích gì, mua để cạnh tranh hay “tiêu diệt” đối thủ? “Chiến lược sau M&A cũng quan trọng không kém, bởi sự tăng trưởng là bài toán khó cần giải quyết sau M&A”, ông Takashi Fufi nói.

Ngọc Lan
Đầu tư Chứng khoán điện tử

Comments are closed.