M&A ngành bảo hiểm châu Á phục hồi trở lại

(Webbaohiem) – Ngành bảo hiểm toàn cầu kết thúc năm 2017 với số lượng giao dịch M&A thấp nhất kể từ năm 2010 do sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Trung Quốc đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, năm 2018 đang có những thay đổi khi ngành bảo hiểm theo đuổi các giao dịch nhằm mang lại những cải tiến cần thiết cho sản phẩm, sự gắn kết của khách hàng và các giải pháp tổng thể.

Theo một phân tích của Thomson và báo cáo thị trường M&A của EY, trong khi số lượng giao dịch M&A giảm vào năm 2017 thì quy mô giao dịch M&A trên toàn thế giới tăng 4% về giá trị và tăng đáng kể ở châu Á. Tuy số lượng giao dịch giảm từ 59 xuống 51 nhưng tổng giá trị M&A bảo hiểm châu Á tăng từ 9,4 tỷ USD trong năm 2016 lên 13 tỷ USD năm 2017, tương ứng tăng 39%.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏe gia đìnhbảo hiểm cho bémua bảo hiểm cho con

Mặc dù giá trị kể trên vẫn thấp hơn so với quy mô M&A năm 2015 (20 tỷ USD), song EY dự đoán xu hướng chuyển đổi sẽ dẫn tới những thay đổi sâu sắc hơn trong ngành, đặc biệt tại châu Á.

Báo cáo của EY mới công bố gần đây nhận định: “Chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến một số khoảnh khắc kỳ diệu trong năm 2018 khiến mọi người phải thốt lên: ‘Wow, điều đó đã làm thay đổi mọi thứ’ – khi các thành viên thị trường hoặc các công ty mới gia nhập thị trường công bố những sáng kiến kinh doanh sáng tạo làm thay đổi cơ bản vai trò và ý nghĩa kinh tế của các yếu tố quan trọng trong ngành bảo hiểm”.

Các giao dịch M&A truyền thống tập trung vào việc tối ưu hóa danh mục đầu tư và giảm chi phí sẽ tiếp tục, đặc biệt ở các thị trường phát triển, nhưng tầm quan trọng ngày càng tăng của kỹ thuật số trong ngành bảo hiểm đang thúc đẩy sự thay đổi trong các loại hợp đồng M&A mới.

Nhiều công ty bảo hiểm vẫn đang phải vật lộn với câu hỏi chiến lược về việc mua hay tự xây dựng năng lực, và đây là một vấn đề rất quan trọng khi xu hướng hội tụ giữa bảo hiểm và công nghệ đang dần định hình. Tất nhiên, như ý nghĩa của từ “hội tụ”, việc đầu tư như vậy cũng đi theo một hướng khác. Chẳng hạn, châu Á đã chứng kiến các hãng công nghệ mua được bí quyết bảo hiểm.

Thương vụ công ty fintech Yunfeng mua lại công ty con của MassMutual tại Hồng Kông trị giá 1,64 tỷ USD được công bố vào tháng 8 năm ngoái cho thấy sự gia tăng đầu tư công nghệ vào ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, thoả thuận này cũng cho thấy một số thách thức đang làm kìm hãm các hoạt động M&A do quá trình phê duyệt phức tạp khiến cho thời điểm phê duyệt giao dịch này kéo dài đến tận quý III năm nay.

Một cách tiếp cận khác được minh chứng qua sự hợp tác giữa Aviva với Tencent và công ty cổ phần tư nhân Hillhouse Capital để thành lập liên doanh bảo hiểm kỹ thuật số tại Hồng Kông. Giao dịch này cũng cần tới chặng đường dài để được phê duyệt. Các bên đã ký kết thỏa thuận vào tháng Giêng năm ngoái và sau đó Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông chấp thuận vào tháng Hai. Dự kiến, liên doanh sẽ bắt đầu hoạt động theo cơ cấu tổ chức mới trong nửa đầu năm 2018.

Vai trò của các công ty cổ phần tư nhân như Hillhouse dự kiến sẽ tăng lên khi trào lưu hội tụ giữa bảo hiểm và công nghệ tiếp tục diễn ra.

Ông David Lambert, Giám đốc các giao dịch bảo hiểm toàn cầu của EY, nhận định: “Đầu tư của các quỹ cổ phần tư nhân sẽ là một phần quan trọng trong việc phát triển và tạo ra dòng tiền từ các công nghệ mới hỗ trợ ngành bảo hiểm. Các quỹ cổ phần tư nhân đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nhà cung cấp dịch vụ CNTT hiện tại nhằm giúp họ phát triển các giải pháp mới, đồng thời cũng sẽ tìm kiếm cơ hội thâu tóm các khởi nghiệp Insurtech khi họ bắt đầu chứng minh được quy mô và khả năng tạo tiền”.

Ngoài việc khai thác cơ hội kỹ thuật số, EY còn nhấn mạnh đến nhu cầu tiếp tục của các công ty bảo hiểm để đa dạng hóa hoạt động phân phối và tìm kiếm sự tăng trưởng thông qua các vụ sáp nhập ở nước ngoài, như thương vụ AIA mua công ty BHNT tương hỗ Colonial Mutual Life của Úc trị giá 3 tỷ USD vào tháng 9/2017.

Theo phân tích của EY, sự thay đổi đáng kể trong năm 2017 là sự sụt giảm của dòng vốn giữa các khu vực, với sự sụt giảm mạnh giá trị của các giao dịch từ các nhà đầu tư châu Á vào châu Âu hoặc Mỹ so với những năm trước.

Báo cáo viết: “Điều này một phần khẳng định những tác động của việc thắt chặt các quy định tại Trung Quốc đối với hoạt động M&A ra nước ngoài cùng với sự kiểm soát chặt chẽ hơn về các vụ sáp nhập không trọng yếu”.

Với việc sáp nhập hai cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng và bảo hiểm cũng như sự tập trung quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, quá trình phê duyệt của Trung Quốc có thể trở nên minh bạch hơn, nhờ vậy các giao dịch M&A quốc tế có thể xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ rõ ràng sẽ làm giảm bớt những cơ hội này, ít nhất là đối với các giao dịch với Mỹ. Giờ đây, trọng tâm của các thương vụ M&A của nhà đầu tư Trung Quốc có lẽ sẽ vẫn là ở châu Á.

Thảo Phương (Sưu tầm và dịch).