Mở rộng đối tượng tham gia BHYT: Còn nhiều bất cập

nho_co_bhyt_resize.jpg“Mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân khó có thể đạt được nếu không có biện pháp đồng bộ để mở rộng đối tượng tham gia…” – đó là trăn trở của TS Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội thảo giới thiệu những khó khăn, thách thức trong thực hiện Bảo hiểm y tế (BHYT) ở Việt Nam do Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Người dân tham gia còn thấp

Sau hơn 15 năm triển khai, số người được BHYT bao phủ ngày càng tăng (chiếm khoảng 44% dân số cả nước) với nhiều hình thức khác nhau như: BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện, BHYT cho người nghèo…

Việc mở rộng khám chữa bệnh (KCB) xuống tuyến xã đã góp phần củng cố và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT.

Chính sách BHYT cũng góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội khi hàng triệu người bệnh có thu nhập thấp, người nghèo, mắc các bệnh nặng có chi phí lớn được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, BHYT vẫn còn nhiều vấn đề bất cập từ xây dựng cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện. TS Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, mức độ bao phủ BHYT hiện vẫn còn thấp, tính tuân thủ pháp luật không cao, nhiều doanh nghiệp không đóng BHYT cho người lao động, nhất là khu vực tư nhân hay liên doanh. Vì thế, mục tiêu BHYT toàn dân khó có thể đạt được nếu không có biện pháp mở rộng đối tượng tham gia.

Bên cạnh đó, tính chưa đồng bộ và nhất quán trong các văn bản hướng dẫn đã làm nảy sinh một số vấn đề vướng mắc trong thực hiện, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách viện phí, tổ chức hệ thống y tế địa phương, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh BHYT. Khả năng cung ứng dịch vụ của cơ sở KCB còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng tăng của người dân, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; Sự phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội với các cơ sở KCB vẫn còn nhiều bất cập…

 

Nhiều biện pháp để thu hút người dân tham gia BHYT

Tại kỳ họp thứ 4, khóa VII, Quốc hội đã thông qua Luật BHYT. Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật được ban hành đã mở ra giai đoạn mới về chính sách BHYT tại nước ta. Nhiều nội dung được quy định trong Luật có những thay đổi so với điều lệ BHYT hiện hành.

Theo đó, quy định tham gia BHYT là bắt buộc với lộ trình thực hiện cho từng nhóm đối tượng tham gia (25 nhóm) BHYT kể từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2014. Từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT một cách hợp lý và toàn diện, cả chăm sóc sức khỏe ban đầu, điều trị, phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng thanh toán của quỹ; Quy định mức cùng chi trả chi phí KCB được áp dụng với một số nhóm đối tượng.

 Đi liền đó là mở rộng cơ sở KCB, bao gồm cả cơ sở công lập và tư nhân, tạo thuận lợi và lựa chọn cơ sở KCB của người tham gia BHYT. Mức đóng BHYT được xác định không quá 6% mức tiền lương, tiền công hay mức lương tối thiểu, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng BHYT đối với những người thuộc diện nghèo hay cận nghèo.

 Để triển khai thực hiện Luật BHYT có hiệu quả, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành những văn bản hướng dẫn. Theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính ưu việt, hiệu quả của BHYT để mọi người cùng tham gia; Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia BHYT: Cận nghèo, học sinh sinh viên, nông dân… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện chính sách BHYT, xử lý nghiêm các đơn vị sử dụng lao động không đóng BHYT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, mục tiêu của Việt Nam là xây dựng một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Để đạt mục tiêu này cần có sự lựa chọn một cơ chế tài chính y tế phù hợp, vừa có thể bảo đảm ngân sánh cho y tế, vừa giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của người dân, hỗ trợ người có thu nhập thấp, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh ngân sách nhà nước, BHYT là cơ chế tài chính phù hợp đã được lựa chọn thông qua việc ban hành Luật BHYT.

 

Theo Tinnhanh.com

 

Comments are closed.