Mở rộng địa chỉ khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế

du_luat_bhyt.jpgTheo dự luật BHYT, đến năm 2014, các đối tượng: xã viên hợp tác xã, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, người thuộc hộ gia đình cận nghèo… sẽ tham gia BHYT bắt buộc.

ĐB Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) kiến nghị: “Chính phủ cân nhắc nên thực hiện BHYT bắt buộc cho nông dân từ năm 2010 và có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương với tỷ lệ 50/50 hay 40/60”. Không tán đồng với quan điểm của đa số các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Lê Thanh Liêm cho rằng: “Đợi đến năm 2014 hay 2010 thì quá lâu, phải thực hiện BHYT toàn dân ngay sau khi luật được QH thông qua và có hiệu lực, vì nông dân là người đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi”. ĐB Liêm kêu gọi: “Tờ trình của Chính phủ nói chúng ta chưa đủ điều kiện về ngân sách, cơ sở y tế quá tải, tôi cho rằng thiếu thuyết phục. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm tăng chi ngân sách thỏa đáng không?”.

 

Nhiều vấn đề bất cập trong khám chữa bệnh BHYT đã được các ĐB mổ xẻ như: trình độ của đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở vật chất, thái độ của bác sĩ, nhân viên bệnh viện khi khám, chữa bệnh cho người sử dụng thẻ BHYT. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nêu thực tế: “Khi khám, chữa bệnh người bệnh rất ngại phải xuất trình thẻ BHYT, vì họ thường bị phân biệt đối xử, bắt chẹt đủ đường, đóng tiền tới 4 năm mà phải xếp tới 4-5 hàng để chờ khám được một phút”. Theo ĐB Xuân: “Bất cập này bắt nguồn từ vị thế độc quyền của cơ sở khám, chữa bệnh khi mà quy định bắt buộc người ta phải ghi vào nơi khám, chữa bệnh ban đầu là chỗ đấy, muốn cũng chẳng đi chỗ khác được”. Không những người bệnh mà ngay cả cơ quan BHYT cũng bị bắt chẹt. Lẽ ra cơ quan BHYT là khách hàng lớn của bệnh viện, họ phải được ưu đãi, giảm giá so với các trường hợp khác, đằng này BHYT còn bị tính tiền cao hơn. ĐB Xuân dẫn chứng: “Ví dụ chụp CT chẳng hạn, bệnh nhân bình thường là 1,2 triệu đồng nhưng BHYT là khách hàng lớn thì lại có thể bị tính đến 1,8 triệu đồng”.

Trong khi đó, các quy định của dự luật lại chưa đưa ra được biện pháp để khắc phục các yếu kém nói trên. Cụ thể như Điều 49, quy định về trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh BHYT rất chung chung, không khả thi. ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) lên tiếng: “Khoản 1, Điều 49 chỉ dừng lại ở quy định là bảo đảm chất lượng cho người tham gia BHYT. Nhưng ai là người đứng ra đánh giá chất lượng này? Liệu tổ chức BHYT có kham nổi việc đánh giá, kiểm định chất lượng hay không, vì việc này mang tính đặc thù?”. Ngoài cơ sở y tế đăng ký ban đầu, cơ sở theo tuyến điều trị, ĐB H’Luộc Ntơr (Đắk Lắk) đề nghị dự luật bổ sung: “Người có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh y tế công, tư”. Điều này sẽ phần nào khắc phục được tình trạng quá tải của các bệnh viện công, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Các ĐB phát biểu đều thống nhất: muốn đẩy nhanh thực hiện BHYT toàn dân thì phải khuyến khích được việc tham gia BHYT tự nguyện. Người dân chỉ tin tưởng, phấn khởi tham gia BHYT tự nguyện khi các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT được cải thiện.

 

Theo Thanh niên Online

 

Comments are closed.