
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị, cần đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng quỹ BHYT hiện nay, đồng thời làm rõ thêm nội dung BHYT toàn dân, khẳng định việc ban hành Luật phải đảm bảo tính chính trị, an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
Thẩm tra báo cáo về Luật BHYT, các đại biểu tán thành với Chính phủ về các quan điểm xây dựng dự án Luật và định hướng tiến tới BHYT toàn dân, đồng thời cho ý kiến về các vấn đề: lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, về mức đóng BHYT, về chính sách BHYT… Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định lộ trình để thực hiện BHYT bắt buộc đối với xã viên hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, người thuộc hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các đối tượng khác tham gia BHYT bắt buộc từ năm 2014 theo hình thức hộ gia đình sẽ không phù hợp với loại hình BHYT tự nguyện, bởi loại hình bảo hiểm chỉ là hình thức bổ sung, có tính chất thương mại, cơ chế chính sách và quyền lợi không thể giống như BHYT bắt buộc. Nhà nước không thể hỗ trợ cho loại hình BHYT thương mại, nếu tiếp tục làm BHYT tự nguyện như hiện nay sẽ tiếp tục gây thâm hụt Quỹ BHYT. Theo lộ trình này, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, xác định rõ tác động như thế nào khi thực hiện lộ trình BHYT bắt buộc vào năm 2014. Về việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh tham gia BHYT, đa số ý kiến của các Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội tán thành nên quy định việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh, góp phần kiểm soát, chống lạm dụng BHYT; đồng thời nên quy định rõ chi phí tối thiểu mỗi lần khám, chữa bệnh phải cùng chi trả, mặt khác phải có các quy định chặt chẽ về trách nhiệm của cơ sở y tế khám chữa bệnh theo BHYT. Về mức đóng, đa số các đại biểu đề nghị không quy định cứng nhắc mức đóng tối đa 6% trên tiền lương mà nên quy định mức tối thiểu 6% sẽ phù hợp hơn để có thể linh hoạt điều chỉnh mức theo tình hình thực tế đời sống…
Comments are closed.