Từ ngày 1-7-2009, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó, hàng triệu người khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các bệnh viện tuyến trên (cấp tỉnh, TP) sẽ được phân cấp về tuyến cơ sở (cấp quận, huyện, phường, xã). Trước quy định mới của Luật BHYT, những người trong cuộc tại TPHCM không khỏi băn khoăn, lo ngại…
Người thụ hưởng lo lắng
Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, nhà ở gần chợ Phạm Văn Hai, P3 Q.Tân Bình, tâm sự: “Tôi thật sự băn khoăn khi nhân lực và trang thiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến cơ sở còn thiếu thốn quá nhiều, làm sao đáp ứng xuể nhu cầu KCB của hàng triệu người dân? Thật tình, nhiều bệnh nhân như tôi chưa tin tưởng vào khả năng KCB của các bệnh viện tuyến cơ sở, nên rất lo lắng khi Luật BHYT có hiệu lực…”.
Bà Phan Thị Ngưu, 73 tuổi, ngụ tại đường Cách Mạng Tháng Tám P7 Q.Tân Bình, bộc bạch: “Tôi KCB bằng thẻ BHYT tại bệnh viện quận từ mấy năm nay, do bệnh nhân chữa bằng thẻ BHYT quá đông nên phải chờ đợi rất mệt mỏi…”.
Anh Nguyễn Vĩnh Bảo ở Q. Gò Vấp, thắc mắc: “Theo tôi, việc bắt buộc người dân phải đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở là hơi cứng nhắc, Quốc hội nên sớm có sự điều chỉnh kịp thời để người dân được tự do đăng ký KCB tại nơi mà mình thích, kể cả bệnh viện cấp TP và Trung ương. Có như thế mới khuyến khích các bệnh viện cạnh tranh về chất lượng, tăng cường đầu tư trang thiết bị, dịch vụ để thu hút người bệnh, đồng thời đảm bảo chăm lo sức khỏe tốt cho người dân…” .
Chị Vương Ngọc Bích, nhà ở huyện Bình Chánh, cho rằng: “Đáng lẽ khi thực hiện phân cấp bệnh nhân về tuyến cơ sở theo tinh thần của Luật BHYT thì ngành y tế cần có thời gian chuẩn bị chu đáo cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Đừng vì lý do bệnh nhân quá tải ở tuyến trên mà bỗng dưng “phân cấp”, đẩy bệnh nhân về tuyến dưới khiến người bệnh phải lãnh đủ…”.
Tất nhiên, việc phân cấp bệnh nhân về tuyến dưới không có nghĩa là ai ở đâu phải chữa bệnh ở đó một cách cứng nhắc, mà bệnh viện tuyến dưới vẫn có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị kịp thời. Thế nhưng, thủ tục chuyển viện cũng không dễ chút nào.
Anh Trần Minh, ngụ tại huyện Hóc Môn, cho biết: “Mẹ tôi bị bệnh nặng, mỗi lần xin giấy chuyển viện rất nhiêu khê nên gia đình tôi đành bỏ tiền KCB theo tuyến dịch vụ cho nhanh chóng, kịp thời…”.
Người thực hiện băn khoăn…
Chị Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng Trạm y tế P11 Q3, cho biết: “Phường 11 có số dân đông nhất quận, nhưng gần 4 năm nay trạm y tế chỉ có một y sĩ, không có bác sĩ, do vậy, người dân rất ít đến trạm y tế phường mà lên thẳng bệnh viện tuyến trên. Theo quy định của Luật BHYT, nơi nào không có bác sĩ thì chưa được phân cấp KCB về cơ sở. Hiện nay trạm chỉ lo dập dịch, chích ngừa cho trẻ dưới 6 tuổi, nếu phân cấp bệnh nhân về trạm y tế phường thì phải có sự đầu tư xứng đáng về các mặt…”.
Trạm Y tế P. Tân Sơn Nhì Q. Tân Phú tuy cơ ngơi có rộng rãi nhưng giường bệnh và các trang thiết bị KCB rất… khiêm tốn! Chị Lê Thị Ngọc Phượng, Trưởng Trạm Y tế P. Tân Sơn Nhì, bộc bạch: “Sắp tới, việc phân cấp đăng ký KCB ban đầu về cơ sở sẽ giúp bệnh viện tuyến trên khỏe hơn; song tuyến cơ sở sẽ phải chịu áp lực nặng nề, từ đó không tránh khỏi tình trạng đem con bỏ chợ và như thế Luật BHYT khó đi vào cuộc sống…”.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là Luật BHYT có hiệu lực nhưng đến nay cơ sở hạ tầng và đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện cấp quận, huyện cũng không có gì khả quan hơn so các trạm y tế phường, xã.
Bác sĩ Lương Sỹ Minh, Giám đốc Bệnh viện Q.Tân Bình, nhận xét: “Chủ trương đưa bệnh nhân về tuyến cơ sở là đúng nhưng chưa đủ, vì thiếu sự chuẩn bị về đội ngũ y, bác sĩ; cơ sở hạ tầng; đầu tư trang thiết bị y tế… Đơn cử, Bệnh viện Q.Tân Bình “nhỏ như lỗ mũi”, hiện chỉ có 125 giường bệnh với 54 bác sĩ, vậy mà phải đảm đương tới hơn 156.000 thẻ BHYT.
Như vậy, bình quân mỗi ngày bệnh viện phải KCB cho hơn 1.000 lượt bệnh nhân. Do bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, bác sĩ không đủ sức để chăm sóc chu đáo cho tất cả các bệnh nhân, nên bệnh nhân vẫn phải chờ đợi, chịu đựng và phiền hà…
Vừa qua, Bệnh viện Q.Tân Bình đã đề nghị Sở Y tế cho phép giảm từ 156.000 thẻ BHYT xuống còn 115.000 thẻ để phân chia bớt cho bệnh viện các quận, huyện lân cận cùng chăm lo sức khỏe cho người bệnh…”.
Thống kê mới đây của Bảo hiểm xã hội TPHCM cho thấy bệnh viện cấp quận, huyện có thể giải quyết tối đa 2,1 triệu thẻ BHYT trong tổng số 3,1 triệu thẻ BHYT trên địa bàn TPHCM. Sắp tới, số lượng thẻ BHYT sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là thẻ BHYT dành cho học sinh, sinh viên phải tăng lên gần 100% chứ không dừng ở con số 60% như hiện nay. Do vậy, việc đăng ký KCB ban đầu nên tiếp tục duy trì như hiện nay, tức là mọi người có thể đăng ký KCB ban đầu tại nơi mà mình thấy thuận tiện nhất, không nên bắt buộc phải đăng ký tại một cơ sở cố định. Làm sao để tất cả mọi người đều được KCB bình đẳng như nhau, không nên phân biệt thẻ BHYT tự nguyện hay bắt buộc… Cao Văn Sang, |
Theo Sai Gon Giai Phong Online
Comments are closed.