Lợi nhuận ngân hàng: Kẻ cán đích, người hụt hơi! (webbaohiem)

(ĐTCK-online) Năm 2010 đầy biến động trên thị trường tài chính – ngân hàng. Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ (kinh doanh vàng, ngoại hối, thẻ…) vốn đã không mấy khả quan, những tháng cuối năm, lợi nhuận của các ngân hàng lại bị ảnh hưởng bởi biến động lãi suất và bài toán chi phí vốn quá cao. Tuy nhiên, trong mặt bằng chung ấy vẫn có một số đơn vị đã hoặc đang đến rất gần đích lợi nhuận.

Tăng tốc

Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Đặng Văn Thành cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận của riêng Sacombank (chưa tính lợi nhuận hợp nhất từ các công ty con trực thuộc) xây dựng cho năm nay là 2.400 tỷ đồng. 11 tháng đầu năm, Ngân hàng đã đạt hơn 2.192 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 91,3% so với chỉ tiêu cả năm. Theo ông Thành, với kết quả kinh doanh khả quan như trên, dự kiến đến cuối tháng 12/2010, lợi nhuận của Sacombank sẽ đạt và thậm chí vượt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, người đứng đầu Sacombank  cũng cho hay, hoạt động của các công ty con trực thuộc Tập đoàn năm nay có kết quả khá tốt. Vì thế, tỷ lệ cổ tức năm 2010, Sacombank sẽ chi trả cho cổ đông ở mức khoảng 14 – 16% (bằng cổ phiếu).

Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2010 ở mức 2.200 tỷ đồng, đến cuối tháng 11, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đang tăng tốc để cán đích kế hoạch.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2010, OceanBank đạt 682 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu ban đầu chỉ có 400 tỷ đồng và chỉ tiêu sau điều chỉnh tăng lên 600 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11/2010, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 53.601 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch HĐQT TinNghia Bank cho hay, tính đến thời điểm 30/11, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 43.363 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch năm; vốn huy động đạt 38.518 tỷ đồng, hoàn thành 120% kế hoạch năm. 11 tháng đầu năm 2010, TinNghia Bank đã đạt 533 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 118% kế hoạch năm. Theo ông Thành, Ngân hàng cố gắng phấn đấu vượt 10% so với kế hoạch lợi nhuận của Ban điều hành đưa ra để làm động lực phát triển cho năm tới.

11 tháng đầu năm 2010, HDBank đạt 304 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 1,33% kế hoạch, tăng 25,10% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, với 604,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tính đến tháng 10/2010, ABBank đã tiến gần hơn đến chỉ tiêu kế hoạch của năm. Từ chỉ tiêu lợi nhụận ban đầu trình ĐHCĐ thường niên là 580 tỷ đồng, ABBank đã điều chỉnh tăng lên 630 tỷ đồng dựa trên kết quả kinh doanh khả quan từ đầu năm đến nay. Như vậy, so với chỉ tiêu mới này, lợi nhuận trước thuế của ABBank sau 10 tháng hoạt động đầu năm đã đạt gần 96% kế hoạch.

 

Vẫn khó

Kết thúc 11 tháng hoạt động đầu năm 2010, không ít ngân hàng đã tiến sát chỉ tiêu lợi nhuận đề ra ở mức khiêm tốn cho cả năm, song bên cạnh đó cũng có nhà băng phải điều chỉnh giảm lợi nhuận do diễn biến thị trường không thuận lợi. Điều rõ nhất là diễn biến của mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đang ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của các nhà băng, trong khi tháng cuối năm, cũng như các DN khác, ngân hàng phải tăng chi rất nhiều cho chi phí lương, thưởng Tết và trích lập dự phòng…

Trong khi các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng mạnh trong quý IV thì hoạt động cho vay trong 2 tháng qua và tháng 12 này trên thực tế lại không có đột biến so với 3 quý đầu năm. Thực tế nhu cầu vốn của khách hàng là có, nhất là khối DN tăng lên, song áp lực lãi suất thỏa thuận tăng dần theo xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động vốn kể từ đầu tháng 11, nên người cần vốn cũng không dám sử dụng vốn vay, với lãi suất bình quân 17 – 20%/năm hiện nay.

Mặt khác, để đáp ứng các yêu cầu của quy định mới tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN cũng như lộ trình quy định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP, ngoài việc vốn điều lệ của các ngân hàng cần được tăng lên, thì việc tăng lợi nhuận và cổ tức cho tương ứng luôn là bài toán không dễ với các ngân hàng. Trong số này, những đơn vị gặp nhiều khó khăn là các nhà băng quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu và ngân hàng có vốn điều lệ cao.

Trước khó khăn của thị trường, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch xây dựng đầu năm 2010. Chẳng hạn, tại VietA Bank, từ mức lợi nhuận đưa ra ban đầu là 498 tỷ đồng, một nguồn tin cho biết, hiện ngân hàng này đã giảm chỉ tiêu lợi nhuận xuống 300 – 350 tỷ đồng. Và không chỉ với một số nhà băng nhỏ mà ngay cả đơn vị lớn như Techcombank cũng không thể giữ được chỉ tiêu lợi nhuận ban đầu.

Kế hoạch lợi nhuận của riêng Techcombank (không tính công ty con trực thuộc) vừa được Ngân hàng điều chỉnh từ 3.207 tỷ đồng xuống 2.800 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, Techcombank dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2010 ở mức 3.467 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng dự kiến ở mức 3.207 tỷ đồng, nhưng theo đại diện Techcombank, Ngân hàng đã có sự điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận để phù hợp hơn với diễn biến của thị trường.

Tuy nhiên, các nhà băng kỳ vọng, triển vọng năm 2011 sẽ tốt hơn cho hoạt động của ngành, sau khi lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý và lãi suất giảm.

Theo đánh giá của ông Đặng Văn Thành, diễn biến lãi suất hiện đang có tác động nhất định đến hoạt động của ngành ngân hàng, nhưng đó chỉ là tạm thời, còn năm 2011 sẽ là cơ hội cho những ai biết nắm bắt kịp thời. Do vậy, trước mắt, Sacombank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng ở năm tới là 2.800 tỷ đồng. "Đây là chỉ tiêu lợi nhuận bắt buộc. Còn chỉ tiêu phấn đấu của chúng tôi về lợi nhuận năm tới sẽ ở mức khoảng 3.000 tỷ đồng", ông Thành nói.

Ngoài ra, các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng được người đứng đầu Sacombank cho biết, sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 20 – 30% trong năm 2011 tới. Song điều đáng quan tâm hơn ở Sacombank trong giai đoạn 2011 – 2015 đó chính là Ngân hàng sẽ quan tâm hơn đến vốn chủ sở hữu, thay vì vốn điều lệ như giai đoạn 5 năm qua. Cụ thể, trong năm 2011, vốn chủ sở hữu của Sacombank sẽ đạt 17.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ Ngân hàng chỉ tăng lên ở mức 10.700 tỷ đồng (so với vốn điều lệ của Sacombank hiện nay là 9.179 tỷ đồng). Vốn điều lệ tăng thêm của Sacombank trong giai đoạn 2011 – 2015 được ông Thành cho biết, chủ yếu tăng từ việc chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu. Vì thế, tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông trong giai đoạn này của Sacombank sẽ cao hơn so với các năm trước, dao động khoảng 15 – 20%.

Song theo đánh giá của một chuyên gia ngành ngân hàng, đối với các ngân hàng quy mô nhỏ phải chạy đua hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay theo lộ trình quy định tại Nghị định 141, thì áp lực lợi nhuận và cổ tức chi trả cho cổ đông sẽ gia tăng ở năm tới. Bởi rõ ràng, miếng bánh trên thị trường tài chính – ngân hàng ngày càng bị chia thành nhiều phần hơn.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.