Lộ trình tăng vốn, ngân hàng có thêm 1 năm(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), ông Dương Quốc Anh cho biết, đề xuất của NHNN về việc giãn tiến độ tăng vốn đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) lên mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP đã được Chính phủ chấp thuận.

>> Chính thức gia hạn tăng vốn pháp định NH thêm một năm

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn thời gian tăng vốn điều lệ đến ngày 31/12/2011, thay vì vào cuối năm nay. Điều này sẽ rất tốt cho các ngân hàng quy mô nhỏ, vì không còn phải chạy đua với thời gian để tăng vốn, nhất là trong bối cảnh thị trường đang có những khó khăn nhất định.

Thực tế, thời gian qua, các TCTD đã rất nỗ lực để hoàn thành việc tăng vốn điều lệ theo đúng lộ trình quy định của Chính phủ tại Nghị định 141. Nhiều TCTD đã thể hiện được khả năng hoàn thành việc tăng vốn đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, quá trình tăng vốn điều lệ đã chịu tác động của một số nguyên nhân khách quan, khiến việc tăng vốn từ các nguồn khác nhau của không ít TCTD trong nước gặp khó khăn. Cụ thể, bối cảnh nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng và thị trường tài chính trong nước có nhiều biến động đến nay chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Chính điều này dẫn đến TTCK trong suốt một thời gian dài hoạt động cầm chừng, trong khi nhiều ngân hàng cổ phần cùng tăng vốn một lúc, làm cho cổ phiếu ngân hàng thiếu sức hấp dẫn.

Hầu hết ngân hàng phát hành thêm cổ phần với giá chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, nhưng vẫn khó thu hút được đông đảo nhà đầu tư quan tâm. Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM, vốn điều lệ dưới 2.000 tỷ đồng cho biết, theo kế hoạch ban đầu thì trong năm nay ngân hàng sẽ kêu gọi thêm vốn ngoại để có điều kiện hơn trong việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện ngân hàng vẫn chưa tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài. Lý do được vị phó chủ tịch HĐQT đưa ra là nhà đầu tư nước ngoài ép giá quá thấp nên HĐQT quyết định chưa vội bán.

Bên cạnh đó, chủ trương của Chính phủ là hạn chế các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước góp vốn ra ngoài lĩnh vực chính và yêu cầu các doanh nghiệp này thoái bớt vốn tại ngân hàng để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính. Do đó, các ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn trong việc tăng vốn.

Thực tế, Vietcombank đã thoái vốn tại GiaDinh Bank từ tỷ lệ 19% xuống còn 11% và không góp thêm vốn trong các đợt tăng thêm vốn của ngân hàng này từ mức 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng; Tập đoàn Vinatex thoái vốn tại Navibank; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa quyết định rót thêm vốn vào OceanBank…

Đến nay, khi thời gian của năm 2010 sắp hết, nhưng ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng của Navibank vẫn chưa được thông qua. Theo ông Hạnh, nếu không hoãn thời gian thực hiện lộ trình tăng vốn, sẽ có một số ngân hàng nhỏ khó thực hiện được quy định. Bởi lẽ, các ngân hàng chủ yếu kỳ vọng vào cổ đông hiện hữu trong nước. Vậy nhưng, các nhà đầu tư trong nước tỏ ra e ngại trước quyết định bỏ thêm vốn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, vì cho rằng, giá khó tăng.

Đối với một số TCTD cổ phần đã niêm yết cổ phiếu trên TTCK còn vướng quy định về thời gian khi phát hành cổ phiếu ra công chúng nên không thể hoàn tất việc tăng vốn điều lệ theo đúng lộ trình tại Nghị định 141. Tổng giám đốc WesternBank, ông Nguyễn Quốc Sỹ cho hay, sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng đã xúc tiến thủ tục xin tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Hiện WesternBank đã thực hiện việc phát hành cổ phiếu tăng vốn, song thời hạn nhận đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu của Ngân hàng phải đến ngày 18/1/2011 mới có thể hoàn tất.

Tuy nhiên, cũng có một số nhà băng quy mô nhỏ cho biết, sẽ sớm hoàn tất kế hoạch tăng vốn đúng với lộ trình, vốn điều lệ sẽ được nâng lên 3.000 tỷ đồng trước khi năm tài chính 2010 kết thúc.

Trao đổi với ĐTCK, ông Quách Văn Đức, Chủ tịch HĐQT DaiA Bank cho biết, mặc dù việc tăng vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định 141 của các ngân hàng vừa được Chính phủ cho hoãn 1 năm, nhưng DaiA Bank sẽ vẫn tăng vốn theo đúng lộ trình quy định ban đầu. Hiện DaiA Bank đang trong giai đoạn cuối hoàn thành việc phát hành cổ phiếu tăng vốn từ mức 1.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ kết thúc vào ngày 20/12.

Nguồn vốn huy động thêm của DaiA Bank chủ yếu đến từ các cổ đông hiện hữu, Ngân hàng chưa gọi thêm vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, so với các nhà băng bạn cùng quy mô, hiện DaiA Bank đã có một số cổ đông lớn trong nước đứng phía sau như Tập đoàn Tín Nghĩa (tại Đồng Nai), Ngân hàng Á Châu (ACB)…

Đại diện một ngân hàng cổ phần khác cho hay, kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng như đã thông qua ĐHCĐ từ đầu năm nay sẽ không thay đổi. Hiện ngân hàng đã hoàn tất được việc tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và đang phát hành cổ phiếu để tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, chậm nhất là sang tháng 1/2011. Sau đó, ngân hàng sẽ phát hành thêm 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn lên 3.500 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.