Lợi thế “sân nhà”

thannaduong_resize.jpgKết quả kinh doanh năm 2008 cho thấy lợi nhuận từ thu phí bảo hiểm của DN bảo hiểm khá khiêm tốn trong cơ cấu lợi nhuận. Rất ít công ty có lợi nhuận từ nghiệp vụ kinh doanh chính do tỷ lệ bồi thường cao và phần lớn được bù đắp từ doanh thu hoạt động tài chính. Kết quả kinh doanh năm 2008 còn vẽ lên một bức tranh khác: DN bảo hiểm hoạt động trong ngành dọc có ưu thế hơn nhiều so với DN khác.

Lợi thế

 

Xuất hiện trên thị trường bảo hiểm vào cuối năm 2008, CTCP Bảo hiểm SHB – Vinacomin (SVIC) có sự khởi đầu khá thuận lợi: được thành lập trên cơ sở vốn góp của 2 cổ đông chính là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Ông Nguyễn Văn Lê, Phó chủ tịch HĐQT SVIC cho biết, riêng việc khai thác bán bảo hiểm cho hơn 40 DN thuộc TKV đã mang lại cho Công ty doanh thu khá lớn. Điều này không phải không có cơ sở vì hoạt động khai thác khoáng sản của TKV rộng khắp, khá đa dạng, giá trị tài sản máy móc, thiết bị lớn. Thậm chí, chưa kể đối tượng khách hàng là DN, nhưng đồng thời là cổ đông của SVIC. Tuy nhiên, ông Lê cho biết, về lâu dài, SVIC phải phát triển ra ngoài hệ thống. Với lợi thế là có cổ đông SHB, DN bảo hiểm này sẽ phát triển sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng và thực hiện bán chéo sản phẩm qua hệ thống của SHB.

Một gương mặt mới trên thị trường bảo hiểm có doanh thu ấn tượng là CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC). Năm 2008, MIC đạt tổng doanh thu 210,373 tỷ đồng, bằng 195% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 574 triệu đồng. Năm 2009, Công ty đặt mục tiêu 350 tỷ đồng doanh thu, trong đó kinh doanh bảo hiểm đạt 310 tỷ đồng, thu từ hoạt động đầu tư 40 tỷ đồng; phấn đấu lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức là 12%.

Sở dĩ MIC đặt mục tiêu khả quan trong bối cảnh thị trường bảo hiểm được đánh giá tăng trưởng khiêm tốn là do DN này có nhiều lợi thế trong ngành. Năm 2008, MIC đã bảo hiểm một số công trình trọng điểm có giá trị hàng ngàn tỷ đồng như: đường tuần tra biên giới, đường Đông Trường Sơn; các dự án thủy điện, cầu đường, khu đô thị… Trong lĩnh vực quốc phòng, bên cạnh sản phẩm thông thường, Công ty đã cung cấp một số sản phẩm mang tính đặc thù cho lực lượng vũ trang như sản phẩm “Bảo hiểm tai nạn quân nhân”.

Năm 2008, CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tự hào là một trong số ít DN có lãi từ hoạt động kinh doanh chính và đạt doanh thu, lợi nhuận cao nhất trong vòng 4 năm qua: doanh thu đạt 391,75 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 36,999 tỷ đồng. Đóng góp vào kết quả đó không thể không kể đến lợi thế sân nhà của DN này. Riêng hợp đồng bảo hiểm vệ tinh Vinasat (đồng bảo hiểm là Bảo hiểm Bảo Việt) đã mang lại cho PTI 110,49 tỷ đồng doanh thu.

Hồi trung tuần tháng 4/2009, Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) được chỉ định là nhà bảo hiểm gốc cung ứng chương trình bảo hiểm cho giai đoạn phát triển mỏ với giá trị bảo hiểm lên tới 1 tỷ USD của Công ty liên doanh Điều hành chung Thăng Long JOC.

Được thành lập bởi ngân hàng mẹ BIDV, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) cũng tranh thủ 500 điểm giao dịch trên toàn quốc của BIDV để bành trướng, chiếm lĩnh thị phần. Một lợi thế nữa mà BIC có được là tận dụng hệ thống thông tin khách hàng của một trong các ngân hàng có bề dày nhất Việt Nam để phát triển sản phẩm.

 

Không thể duy trì mãi

 

Hiệu quả kinh doanh của DN bảo hiểm mà cổ đông sáng lập đồng thời là khách hàng đã rõ nếu nhìn vào những tên tuổi như PVI, PTI… CTCP Bảo hiểm Hàng không được thành lập mới đây cũng theo cách làm của những DN đi trước. Đặc thù của DN bảo hiểm trong ngành là có chuyên môn sâu, thẩm định nhanh hồ sơ khi ký hợp đồng cũng như khi giải quyết bồi thường. Họ sẽ tư vấn và bán cho tập đoàn và DN trong hệ thống mua sản phẩm phù hợp nhằm đạt tối đa lợi ích bảo hiểm, nhưng với chi phí phù hợp nhất.

Tuy nhiên, mọi chuyện không phải mãi suôn sẻ nếu theo dõi hoạt động của các ngân hàng TMCP. Cách đây vài năm, nhiều ngân hàng TMCP ra đời nhắm đến mục tiêu khách hàng là cổ đông nên hoạt động khá tốt, không chịu nhiều sức ép cạnh tranh. Nhưng hiện tại, mọi việc rất khác khi thị trường đang chứng kiến sự nhập cuộc của các ngân hàng nước ngoài cũng như mức độ chuyên nghiệp trong việc cung cấp sản phẩm của các ngân hàng được thành lập mà không trông đợi vào sức mạnh nội tại của cổ đông.

Thị trường bảo hiểm được dự báo cũng khốc liệt không kém khi DN bảo hiểm 100% vốn nước ngoài gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Đó không chỉ là sức ép về cạnh tranh trên thị trường, mà cả sức ép trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý. Trong Thông tư 86/2009/TT-BTC ban hành mới đây, Bộ Tài chính nghiêm cấm DN bảo hiểm tranh thủ uy tín, ảnh hưởng và chỉ đạo dưới mọi hình thức của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản cấp trên và chủ góp vốn đầu tư để cung cấp dịch vụ bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm. Có thể đơn vị chủ quản sẽ lách quy định này bằng cách không ban hành văn bản chính thức yêu cầu DN trong ngành phải mua bảo hiểm nhưng rõ ràng, với lợi ích ràng buộc lẫn nhau, việc kinh doanh bảo hiểm theo kiểu “một mình một chợ” vẫn chưa thể chấm dứt, chừng nào chất lượng dịch vụ chưa được đặt ra như một yêu cầu tối thượng.

Thanh Đoàn

Theo Báo Đầu Tư Chứng Khoán

 

 

Comments are closed.