Theo một đề tài nghiên cứu gần đây của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), nữ CNVCLĐ chiếm trên 48% lực lượng công nghiệp. Lao động nữ đã không ngừng khẳng định vai trò của mình trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều chính sách, điều luật đối với lao động (LĐ) nữ, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có nhiều bất cập, tính phù hợp còn hạn chế, cần điều chỉnh, bổ sung.
Sức ép về việc làm, thu nhập
Cụ thể hoá các quan điểm của Đảng đối với lao động nữ, Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với lao động nữ nói chung và nữ công nhân nói riêng. Trong đó, việc làm và thu nhập là điều kiện đầu tiên đảm bảo cho lao động nữ yên tâm làm việc, từ đó trau dồi kiến thức, phấn đấu và trưởng thành. Điều 13 của Bộ luật Lao động năm 1994 quy định: “Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội, có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của DN và toàn xã hội”.
Việc làm luôn là bài toán khó đối với người, nhất là với lao động ở các KCN-KCX. Cả lao động nam và lao động nữ đều có chung nỗi lo không tìm được việc làm, thiếu việc hoặc mất việc nếu DN gặp khó khăn trong SXKD buộc phải thu hẹp SX. Chị Nguyễn Thị Thoa – CN của một Cty liên doanh với nước ngoài tại KCN Quang Minh (Hà Nội) – tâm sự rằng, hiện nay do áp lực thiếu việc làm nên công nhân rất ngại đấu tranh đòi quyền lợi vì sợ bị sa thải. Mặt khác, nhiều nữ CNLĐ không hiểu đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của bản thân do không được phổ biến, không có thời gian cập nhật thông tin, nên họ không biết mình được hưởng các chính sách nào.
Trong khi đó, trình độ học vấn, chuyên môn của LĐ nữ được DN chú trọng trong việc ký kết HĐLĐ. Với nữ CNLĐ trình độ chuyên môn cao (đại học) được ký HĐ bằng văn bản với tỉ lệ cao 96,6%, trình độ trung cấp là 94,8%, còn LĐ kỹ thuật và LĐ giản đơn thì tỉ lệ này thấp hơn nhiều…
Các chính sách đối với LĐ nữ chậm được thực hiện
Các DN ngoài nhà nước ít nhiều đã quan tâm thực hiện các chính sách, luật pháp của NLĐ nói chung và những quy định riêng đối với LĐ nữ. Song còn nhiều DN chậm thực thi hoặc không thực thi chính sách đối với LĐ nữ, hầu hết các chính sách quy định riêng cho LĐ nữ mang tính chất khuyến khích, không có tính bắt buộc và yêu cầu trách nhiệm của DN nhiều hơn. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiều chính sách đặt ra không phù hợp với cơ chế thị trường. Hiện tượng phổ biến tại các DN nhỏ, DN dệt – may, da – giày sử dụng đông LĐ là chưa trả lương theo đúng công việc LĐ nữ đảm nhận, chưa xây dựng quy chế trả lương, nâng lương, nâng bậc.
Việc trả lương làm thêm giờ, chính sách vệ sinh an toàn LĐ, các quy định về BHXH và trợ cấp thai sản, các chính sách mang tính đặc thù đối với LĐ nữ… cũng không được DN thực hiện đầy đủ. Vấn đề nâng cao trình độ nghiệp vụ, chính trị, tin học, ngoại ngữ chưa được quan tâm thoả đáng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả SXKD của DN, mà còn là thiệt thòi cho LĐ nữ, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Theo điều tra xã hội học của Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN, chỉ có 27,3% số nữ CNLĐ được hỏi trả lời được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; 15,4% số chị em được bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị. Dẫn chứng nữa về sự thiếu hụt kiến thức của LĐ nữ, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, năm nay trung tâm đã tổ chức 56 cuộc tư vấn pháp luật và 2 cuộc đối thoại với CNLĐ, người sử dụng LĐ, đại diện CĐ ở các DN thuộc ngành dệt – may và công thương Hà Nội. Ngoài mối quan tâm về tiền lương, việc làm, đa phần LĐ nữ không nắm rõ quyền lợi của mình về chế độ nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ, thời gian làm việc và các chế độ ưu đãi khác…
Việc triển khai thực hiện chính sách đối với LĐ nữ chậm, khó thực hiện có nguyên nhân từ người sử dụng LĐ cùng với một số chính sách không phù hợp với điều kiện của DN và các văn bản quy định chưa rõ, không thống nhất giữa các cơ quan chức năng… Nhưng đáng lưu ý là, xuất phát từ sự kém hiểu biết của người LĐ mà chủ sử dụng LĐ thường bỏ qua hoặc vi phạm các quy định riêng đối với LĐ nữ. Vấn đề bức thiết đặt ra cho các cấp CĐ là bảo vệ được quyền lợi của NLĐ, trong đó có LĐ nữ ở mọi thành phần kinh tế.
Về mặt pháp lý, tổ chức đại diện duy nhất cho NLĐ trong các DN là CĐCS, trong đó có ban nữ công. Nhưng trong các DN ngoài nhà nước, số DN đã thành lập CĐ còn ít, nên nhiều quyền lợi hợp pháp của LĐ nữ bị vi phạm nhưng NLĐ không biết hoặc không có khả năng đấu tranh đòi thực hiện các chế độ, chính sách đó. Do đó, hoạt động CĐ, ban nữ công trong các DN ngoài nhà nước cần được đổi mới về nội dung và phương thức.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
www.molisa.gov.vn
Comments are closed.