Theo ông Lê Quang Trung – Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB &XH), chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ đơn thuần là việc chi trả trợ cấp thất nghiệp mà còn nhằm mục đích nâng cao năng lực nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ), nhanh chóng tìm việc làm mới.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm Luật BHTN được triển khai cho thấy một thực tế đáng buồn, NLĐ chỉ quan tâm tới khoản tiền hỗ trợ và tỏ ra không mấy mặn mà với đào tạo nghề.
NLĐ không mặn mà học nghề sau thất nghiệp
Số liệu của Cục Lao động Việc làm ( Bộ LĐTB & XH) cho thấy, tính từ 1-1-2010 đến 20-9-2012 thì số người đăng ký thất nghiệp là 912.856 người, số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 766.106 người, số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp một lần là hơn 19 nghìn người.
Tại TP.Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê của BHXH thành phố, trong chín tháng đầu năm, đã có 107.379 người đăng ký BHTN, tăng 25.483 người so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 85.292 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thành phố đã ban hành quyết định xét hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 83.425 LĐ, tăng 18.202 người so với cùng kỳ năm 2011.
Theo Cục Việc làm, sở dĩ số người đăng ký hưởng BHTN tăng do số người tham gia BHTN tăng. Bên cạnh đó, năm 2012 do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nên số người thất nghiệp gia tăng kéo theo số người đăng ký hưởng BHTN gia tăng. Trong đó, có một số không nhỏ người lao động từ các địa phương ở miền Bắc, miền Trung vào các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các doanh nghiệp ở miền Nam để tìm việc, nay các địa phương ở miền Bắc, miền Trung có nhu cầu tuyển lao động nên NLĐ thôi việc, trở về quê hương tìm việc làm để giảm chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL), vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay sau gần 4 năm triển khai Luật BHTN là hiện số lao động đăng ký hưởng BHTN gia tăng đột biến, nhưng số người được giới thiệu việc làm trong cả nước tính đến tháng 9-2012 chỉ có hơn 500 nghìn người, số người được hỗ trợ học nghề chưa đến 4 nghìn người – Ông Trung cho biết.
Tại Bình Dương, theo số liệu thống kê của TTGTVL tỉnh Bình Dương, đến nay trong tổng số gần 100.000 người đăng ký thất nghiệp, có không quá 20 người đăng ký học nghề.
Nguyên nhân, theo ông Trung, do thời gian học nghề theo quy định quá ngắn. Do NLĐ học nghề nhưng số lao động có nguyện vọng được hỗ trợ học nghề không nhiều. Nguyên nhân, do NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi đó nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta rất lớn, nên NLĐ dễ tìm kiếm việc mới sau thất nghiệp. Cũng theo ông Trung, để khuyến khích NLĐ học nghề sau thất nghiệp, Bộ LĐTB&XH đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, trong đó quy định mức hỗ trợ học nghề sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH cũng đang dự thảo Quyết định về mức hỗ trợ học nghề để trình Chính phủ, trong đó mức hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định cao hơn trước đây nhằm tạo điều kiện hơn nữa để NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề.
Không có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm
Trước thực trạng gia tăng số người đăng ký BHTN, có nhiều ý kiến lo ngại quỹ bảo hiểm đứng trước nguy cơ bị vỡ. Tuy nhiên, tại Hội nghị tuyên truyền Chương trình BHTN sáng ngày 24-10, tại khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội, ông Lê Quang Trung khẳng định: ” không có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm”.
Ông Trung cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2012 số người tham gia BHTN là 8,1 triệu người, số thu BHTN là gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng quỹ thu BHTN qua hơn 3 năm tính đến tháng 7-2012 lên tới hơn 18 nghìn tỷ đồng. Tổng số phân bổ vào quỹ BHTN trong 3 năm 2009-2011 là 1.784,55 tỷ đồng. Ước kết dư quỹ BHTN đến hết tháng 5-2012 là gần 17 nghìn tỷ đồng.
Thực tế, mức tăng bình quân số người tham gia BHTN của năm 2010 so với năm 2009 là 17%, năm 2011 so với năm 2010 là 7,8%, trong khi đó, mức tính toán là số người tham gia không thay đổi.
Nguồn daidoanket.vn
{flike}
Comments are closed.