Không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam những tháng đầu năm 2009 đã tăng trưởng chậm lại do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính xung quanh việc định hướng quản lý phát triển thị trường bảo hiểm. Sáu tháng đầu năm 2009, trong khi bảo hiểm phi nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng phí 15,8% thì bảo hiểm nhân thọ cũng tăng 18%. Ông đánh giá như thế nào về con số này?
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trên thế gới, một số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã bị phá sản, nhưng so với lĩnh vực ngân hàng thì chiếm tỷ trọng rất nhỏ, do DNBH chịu sự giám sát rất chặt chẽ.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định. Chẳng hạn, doanh thu của một số nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tài sản cho công trình xây dựng lớn, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng hải… giảm. Nhiều DN đang nợ phí bảo hiểm, doanh thu mới của bảo hiểm nhân thọ giảm đáng kể. Ngoài ra, một số DNBH phi nhân thọ gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ do khó huy động vốn từ bên ngoài.Tuy vậy, năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng cao.
Điều này là do tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm còn rất lớn. Ở các nước phát triển, doanh thu bảo hiểm chiếm kaỏng 8-15% GDP, nhưng tại Việt Nam mới chỉ là 2% GDP.
Bên cạnh đó, phải kể đến sự quan tâm của Chính phủ, Bộ tài chính trong việc phát triển thị trường bảo hiểm, cụ thể nhất là việc thành lập Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm. Ngoài ra thị trường bảo hiểm cũng có những bước phát triển nhờ sự quan tâm của người dân. Trong thời gian tới, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh khi các quy định pháp lý được hoàn thiện, hoạt động của DNBH trên thị trường chuyên nghiệp hơn, đặc biệt nhận thức của người dân về cần thiết mua bảo hiểm sẽ thay đổi.
Thách thức trong việc phát triển thị trường bảo hiểm hiện nay là gì, thưa ông?
Theo tôi, có 3 thách thức, mà thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Số lượng DNBH phát triển nhanh (hiện nay, toàn thị trường có 49 DNBH) dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm cũng bị chậm do nguồn nhân lực thiếu. Thách thức thứ hai là yếu về công nghệ. Thị trường đòi hỏi DNBH ngày càng phải đưa ra các sản phẩm tích hợp nhiều tính năng ưu việt, nên công nghệ phải hiện đại. Một thách thức nữa là hạn chế về giám sát. Bảo hiểm tác động đến từng gia đình, từng người dân, nhưng công tác hiện nay còn yếu do thiếu cán bộ và số cuộc kiểm tra, giám sát ít. Từ năm nay, chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám sát thông qua việc thường xuyên kiểm tra, đối thoại, làm việc với DNBH.
Với 49 DNBH hoạt động trong các lĩnh vực, con số này theo ông là nhiều hay ít? Tới đây, Bộ Tài chính có cấp phép thành lập DNBH?
Thực ra, nói đủ hay chưa đủ là rất khó. Hiện nay, Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh bảo hiểm, nhưng phải đảm bảo năng lực tài chính, nhất là đội ngũ cán bộ cũng như trình độ công nghệ thông tin. Hiện nay, DNBH yếu về công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, nên việc phát triển số lượng DNBH như thế nào phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, sự phát triển của nền kinh tế cũng như khả năng đáp ứng điều kiện của DNBH.
Hiện tại, có 9 hồ sơ xin thành lập DNBH. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm, chúng tôi chưa thực hiện cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào. Tùy vào khả năng đáp ứng các điều kiện của DN, nhưng trong thời gian tới, mỗi năm sẽ có khoảng 2-3 DNBH được cấp phép.
DNBH phải hoàn thành đủ vốn theo quy định của pháp luật vào thời điểm hết tháng 3/2010. Trường hợp DNBH không kịp tăng vốn thì sao, thưa ông?
Theo nghị định sô 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ thì sau 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, vốn điều lệ tối thiểu của DNBH phi nhân thọ là 300 tỷ đồng, DNBH nhân thọ là 600 tỷ đồng.
Hiện tại, còn 5 DNBH chưa đủ vốn theo quy định là CTCP Bảo hiểm Bảo Tín, CTCP Bảo hiểm Bảo long, Công ty Bảo hiểm liên hiệp, Công ty liên doanh Bảo hiểm Quốc tế Việt Nam, công ty Bảo hiểm Groupama. Đến nay, các DNBH đều đăng ký đến ngày 30/4/2010 sẽ hoàn thành việc tăng vốn đúng thời hạn. Với DNBH nước ngoài và liên doanh thì không đáng ngại, trong khi 2 CTCP bảo hiểm trong nước cũng có thuận lợi. Một là, TTCK đang tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho DNBH phát hành cổ phần tăng vốn. Hai là, các DNBH nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường bảo hiểm Việt Nam, nên việc tìm kiếm đối tác bán cổ phần cũng không quá khó. Trong trường hợp DNBH không hoàn thành đủ vốn điều lệ thì sẽ phải giải thể hoặc sát nhập.
Tám tháng đầu năm 2009, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của một số DNBH. Nhìn chung, các DNBH đã thực hiện tương đối tốt Luật Kinh doanh Bảo hiểm nhưng bên cạnh đó, vẫn có một số vấn đề đặt ra như cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng chi phí cho đại lý để bán hàng; dùng sức ép của các cấp hành chính để bán bảo hiểm; quá trình thực hiện bồi thường bảo hiểm còn gây phiền hà cho khách hàng, thời gian bồi thường dài, bồi thường không đúng quy định…Thời gian tới, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ yêu cầu DNBH xây dựng một bộ thủ tục về giải quyết bồi thường nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện bồi thường được dễ dàng, nhanh chóng, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm nhiều hơn..
Thanh Đoàn thực hiện
Nguồn Đầu tư chứng khoán
Comments are closed.