Lâm Đồng hiện có 43 đơn vị dạy nghề, trong đó có 18 cơ sở Nhà nước và 25 cơ sở ngoài công lập, hàng năm đào tạo 12.000 lao động. Trong thời gian vừa qua, địa phương đã bước đầu thực hiện việc dạy nghề theo nhu cầu lao động tại tất cả các cơ sở trên địa bàn. Điều này, đã thu hút khá đông lao động theo học, nhiều học viên xuất sắc sau khi được đào tạo đã được giữ lại làm giáo viên cho các trường, góp phần vào việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cho các trường nghề, cũng như cải thiện chất lượng lao động nông thôn. Theo khảo sát, có tới 81% số người theo học nghề trong độ tuổi thanh niên. Đây được xem là bước đột phá trong công tác đào tạo nghề tại Lâm Đồng.
Trên cơ sở nhằm tạo việc làm hiệu quả cho người lao động, Lâm Đồng luôn hướng người lao động học các ngành nghề trọng điểm như cơ khí, điện tử, hàn, luyện kim, chế biến….Đồng thời, lựa chọn những nghề phù hợp với đặc điểm từng địa phương như trồng trọt, chăn nuôi, mây tre đan, sản xuất đồ mỹ nghệ… để thực hiện việc dạy nghề. Hiện nay địa phương đang tiến hành đào tạo với 51 ngành nghề.
Với khung chương trình đào tạo là 30% lý thuyết, 70% thực hành, nhưng trên thực tế tại địa phương, các trung tâm đào tạo tại chỗ đã áp dụng thực hành 100% cho người lao động. Bên cạnh đó, việc mở nhiều lớp học lưu động với thời gian học từ 10 ngày đến 3 tháng, đã giúp người học có thể lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với khả năng và áp dụng thực hiện ngay tại địa phương, thu hút một số lượng lớn lao động tham gia học nghề. Hiện toàn tỉnh có 483 giáo viên dạy nghề trình độ đại học, trong đó, trình độ trên đại học là 255 người, cao đẳng 17 người, trung cấp 66 người, hàng năm các trung tâm đào tạo còn cần tuyển thêm nhiều giáo viên từ những người học nghề xuất sắc.
Với chủ trương đào tạo nghề theo nhu cầu người học, Lâm Đồng phấn đấu 80% học viên có việc làm đúng nghề đào tạo, sắp tới là 100% có việc làm đúng như mong muốn. Hiện các trung tâm đào tạo nghề của tỉnh đã được phát triển tương đối hoàn chỉnh, nhiều nơi được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.
Ngọc Hải
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Comments are closed.