Lãi suất vẫn cản dòng tín dụng(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Lãi suất huy động thiết lập mặt bằng ổn định ở mức trần mới 14%/năm nên kỳ vọng lãi suất cho vay thỏa thuận sớm giảm là rất khó cho những người cần vốn, nhất là khách hàng doanh nghiệp dịp cận Tết Nguyên đán. Hiện lãi suất cho vay dao động trong khoảng 18 – 20%/năm.

Năm 2010 khép lại với mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 27,65%, cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra ban đầu là 25%, song bước sang tháng 1/2011, các ngân hàng bắt đầu thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm mới nên cần tăng trưởng dư nợ.

Các nhà băng đang tăng cường hỗ trợ vốn vay cho khách hàng nhân dịp tết cổ truyền năm nay để tranh thủ cơ hội phát triển tín dụng. Chẳng hạn, DaiA Bank cho vay thấu chi, với hạn mức lên đến 10 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, thuận tiện cho các khoản mua sắm tiêu dùng (cá nhân) hoặc nhu cầu vốn do thiếu hụt tạm thời của khách hàng doanh nghiệp mà không cần làm thủ tục vay vốn bổ sung vốn lưu động.

Còn tại ACB, Ngân hàng sẽ cung cấp thêm tiện ích "cho vay cầm cố số dư tài khoản tiền gửi có kỳ hạn" và "cho vay thấu chi đảm bảo bằng số dư tiền gửi có kỳ hạn" cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tiện ích này sẽ đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tài chính tức thời của khách hàng, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán. Khách hàng sử dụng dịch vụ ACB Online chỉ cần đến ngân hàng một lần để ký hợp đồng khung về vay trực tuyến (online), sau đó có thể tự hoàn tất việc vay qua internet một cách đơn giản và được giải ngân vào tài khoản tiền gửi thanh toán của mình trong vòng 1 phút.

Tuy nhiên, do lãi suất cho vay hiện vẫn còn quá cao, khiến việc tăng trưởng dư nợ chưa được như mong muốn, theo một số ngân hàng. Tại DaiA Bank, lãi suất cho vay đang được áp dụng trong khoảng 20%/năm cho khách hàng cá nhân và 18,8%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp.

Thống kê của các NHTM gửi về NHNN trong tuần qua cũng cho thấy, dù lãi suất huy động ít biến động so với cuối tháng trước, song lãi suất huy động vẫn phổ biến ở mức 13,5 -14%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay dao động từ 18 đến 20%/năm.

TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học kinh tế TP. HCM cho rằng, lãi suất cho vay của Việt Nam cao, nhưng dư nợ tín dụng vẫn luôn tăng, như trong năm 2010. Sở dĩ tín dụng vẫn tăng cao, dù lãi suất không giảm, một phần có thể do cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà băng: mở rộng mạng lưới quá nhanh, thiếu nhân sự, thiếu giám sát, đồng thời giao chỉ tiêu cho chi nhánh gắn với thu nhập.

Vì vậy, với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 ở mức 23%, theo ông Ngân, cần có giải pháp chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thương mại với khẩu hiệu năm 2011 ưu tiên cho chất lượng tín dụng hơn là số lượng. Hệ thống NHTM cần tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, cho xuất khẩu… hạn chế cho vay tiêu dùng. NHNN quản lý và giám sát danh mục cơ cấu tín dụng, thông tin kịp thời, cụ thể về điều hành chính sách tài chính tiền tệ của Chính phủ.

Cũng theo ông Ngân, hiện lãi suất cao do lạm phát tăng trong năm 2010, nhưng không thể cao hơn nữa. Ông Ngân cho rằng, các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN hiệu quả không cao do sự phát triển không đồng đều của các NHTM, mặc dù NHNN có nhiều nỗ lực và dành nhiều công sức. Song do một số NHTM vốn ít, nhưng muốn phát triển nhanh nên thường xuyên thiếu hụt thanh khoản, gây rối thị trường. Do đó, đòi hỏi NHNN cần có cơ chế đặc biệt dành cho các ngân hàng này. Có thể "bơm" vốn trực tiếp với lãi suất trần tiền gửi và thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, về lâu dài, lãi suất tiền đồng nên theo cơ chế thả nổi là đúng hướng, nhưng trong điều kiện bất thường cần có bàn tay hữu hình của NHNN để điều tiết thị trường theo mục tiêu lãi suất mà NHNN đã định hướng.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.