Lạc quan ngành bảo hiểm năm mới

altTrao đổi với Đầu tư Chứng khoán nhân dịp đầu năm mới, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, nhu cầu về bảo hiểm đang tăng lên, nhưng có không ít thách thức.

“Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20%”

Ông Takashi Fujji, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam

Tỷ lệ tăng trưởng khá ấn tượng của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong năm 2013, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, cho thấy ý thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ đang tăng cao.

Khách hàng đã lựa chọn bảo hiểm nhân thọ như một giải pháp vừa bảo vệ tài chính trước rủi ro, vừa tiết kiệm và đầu tư sinh lời an toàn hơn nhiều kênh khác.

Về viễn cảnh phát triển của năm 2014, tôi tin rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục phát huy ưu thế tăng trưởng này.

Trên đà tăng trưởng của năm 2013, bước sang năm 2014, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20%, tiếp tục phát triển mạng lưới kinh doanh phủ rộng khắp các tỉnh, thành nhằm cung cấp các dịch vụ thuận tiện và tốt hơn cho khách hàng theo từng khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sự sáng tạo, đổi mới sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đồng thời, chú trọng công tác huấn luyện đại lý, các hoạt động cải tiến chất lượng phục vụ và nâng cao quyền lợi khách hàng, mở rộng các kênh phân phối khác để có thể mang bảo hiểm đến gần với người dân hơn.

“Ngành bảo hiểm đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch”

Ông Nguyễn Quang Hiện, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm quân đội (MIC)

Doanh thu toàn thị trường bảo hiểm năm 2013 không tăng như dự báo là 10%, nhưng nhìn tổng thể thì ngành bảo hiểm đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra.

Bởi lẽ, nền kinh tế khó khăn tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là doanh thu bảo hiểm dự án, công trình xây dựng lắp đặt, bảo hiểm tàu, bảo hiểm cháy, nổ, bảo hiểm hàng không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều giảm sút đáng kể, chỉ có bảo hiểm xe cơ giới, hàng hóa, con người vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Tôi tin, năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng theo hướng tích cực khi các chính sách vĩ mô đang dần phát huy hiệu quả.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hưởng ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp khi ngân hàng đang triển khai mạnh các gói tín dụng kích thích hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như tiêu dùng của người dân, đặc biệt là gói hỗ trợ thị trường bất động sản.

Nền kinh tế tăng trưởng tốt là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh.

“Lạc quan với thị trường bảo hiểm 2014”

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần PVI

Năm 2014 sẽ là một năm lạc quan với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Với triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, thị trường bảo hiểm kỳ vọng sẽ có những chuyển biến và phát triển bền vững.

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sớm được ký kết trong năm 2014 sẽ tạo ra cú hích cho kênh tài chính ngân hàng, góp phần giải quyết những ách tắc, qua đó tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm.

Trong năm qua, với những nỗ lực và giải pháp đột phá, PVI đã đạt được kết quả hoạt động đáng ghi nhận: giữ vững vị trí là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 Việt Nam, thành công trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ chỉ sau một thời gian ngắn đã thu được lợi nhuận.

PVI tiếp tục hoàn thiện mô hình tái cấu trúc để đầu tư phát triển, phát huy tối đa thế mạnh của một tập đoàn bảo hiểm – tài chính chuyên nghiệp, qua đó mọi tài sản của khách hàng được bảo vệ an toàn, cũng như đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất cho cổ đông.

“Cần đào tạo đội ngũ bảo hiểm chuyên nghiệp, gắn bó”

Ông Lee Hsun Yu, Tổng giám đốc Cathay Life

Nhìn một cách tổng quan, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam luôn có sự tăng trưởng là nhờ nền kinh tế tăng trưởng, quan niệm về bảo hiểm của người dân ngày càng tiến bộ, dễ dàng chấp nhận bảo hiểm hơn và sự gia nhập của các doanh nghiệp bảo hiểm mới, mang các sản phẩm và dịch vụ mới đến thị trường.

Trong năm qua, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm là tình trạng trục lợi bảo hiểm và tỷ lệ nghỉ việc của đại lý cao.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Cathay phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống dữ liệu phòng chống trục lợi bảo hiểm, tăng cường huấn luyện năng lực giám sát, điều tra, thẩm định của nhân viên và thắt chặt quy trình tuyển dụng. Đồng thời, Cathay tăng cường huấn luyện đại lý nhằm tạo ra đội ngũ bảo hiểm chuyên nghiệp, gắn bó.

Mục tiêu chính của Công ty trong năm 2014 là tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Cụ thể, phát triển đại lý toàn thời gian, nâng cao năng lực các nhà quản lý kinh doanh, mở rộng các đơn vị kinh doanh mới, thiết kế các sản phẩm phù hợp nhu cầu người dân, cải thiện, nâng cao các quy trình phục vụ hợp đồng…

Những kế hoạch trên sẽ giúp Cathay xây dựng mô hình kinh doanh độc đáo và tạo nét văn hóa riêng biệt cho Công ty trong tương lai.

“Khách hàng sẽ quyết định doanh nghiệp bảo hiểm”

Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh

Năm 2014, tình hình kinh tế thế giới sẽ có những khởi sắc. Kinh tế Việt Nam năm 2014 cũng được dự đoán nhiều khả năng hồi phục. Đây là tín hiệu tốt cho ngành bảo hiểm, dự báo tăng trưởng phí bảo hiểm năm 2014 từ 8 – 10%.

Dù vậy, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật như hạ phí, mở rộng điều khoản, tăng chi ngoài… Ngoài ra, là một nền kinh tế mới nổi với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn nên thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng sẽ có sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.

Điều này sẽ có lợi cho người tiêu dùng và kích thích cạnh tranh, nhưng cũng đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phải luôn cải tiến sản phẩm và hoàn thiện khâu chăm sóc khách hàng thì mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Lúc đó, khách hàng sẽ quyết định chọn ai là nhà bảo hiểm cho mình.

“Thách thức hiện tại là cơ hội để thay đổi”

Ông Đỗ Quang Thuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty

Thị trường bảo hiểm đang hồi phục và hy vọng tiếp tục hồi phục hơn nữa trong năm 2014. Tuy nhiên, nếu tính đến tỷ lệ lạm phát thì mức tăng trưởng đó là chưa đáng kể.

Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm và trái phiếu chính phủ giảm, trong khi chi phí hoạt động vẫn ở mức cao đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm, vốn đã ở mức thấp trong vài năm qua.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đang phải cân nhắc tăng phí bảo hiểm, thắt chặt các điều kiện bảo hiểm cũng như quản lý chi phí chặt chẽ nhằm có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thay vì dựa vào lợi nhuận từ đầu tư.

Tôi cho rằng, chính những thách thức hiện tại sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thay đổi và tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm sắp tới.

Theo (ĐTCK)

{fcomment}

Comments are closed.