Lộ diện nhiều nguy cơ cháy nổ

chay_ham_hai_van.jpgNhư Lao Động đã thông tin, vụ cháy máy biến áp AT2-pha B của trạm 500kV Đà Nẵng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn cấp điện cho 6 tỉnh miền Trung. Sáng 20.8, Hội đồng khám nghiệm hiện trường vụ cháy đã được thành lập, tiến hành điều tra vụ việc

Các thành viên hội đồng này gồm đại diện Cục Cảnh sát PCCC, Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực VN (EVN), cùng PC23 và Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Đà Nẵng.

Được biết, việc điều tra hiện gặp một số khó khăn. Do trọng lượng của máy biến áp quá lớn (trên 50 tấn), lại không có xe cẩu tương thích; hiện phải tháo dỡ từng bộ phận của máy để đưa xuống. Những chi tiết của máy biến áp bị lửa thiêu cháy làm biến dạng, các bộ phận bị sức nóng làm chảy ra và dính chặt lại với nhau, nên việc tháo dỡ rất khó khăn. Mặt khác, thời tiết ở Đà Nẵng thường có mưa dông vào buổi chiều cũng gây trở ngại không nhỏ cho công tác điều tra. Dự kiến, việc điều tra, tìm ra nguyên nhân của vụ cháy nổ này phải mất khoảng 1 tuần.

Đại diện lãnh đạo Phòng CS PCCC – Công an Đà Nẵng (PC23), thượng tá Nguyễn Khắc Cường – một lần nữa khẳng định, hệ thống PCCC tự động, tại chỗ của trạm 500kV Đà Nẵng là có nhiều khiếm khuyết, được Cục CS PCCC và PC23 Đà Nẵng cảnh báo nhiều lần. Đầu tiên là việc gỉ sét, gây tắc nghẽn các đầu phun bằng sắt của hệ thống phun nước tự động. PC23 đã yêu cầu ngành điện thay thế bằng các đầu đồng. CS PCCC cũng đề nghị ngành điện trang bị thêm máy nổ công suất lớn để dự phòng, sẵn sàng cấp điện cho hệ thống chữa cháy.

Tuy vậy, việc trang bị máy nổ đến nay vẫn chưa được thực hiện. Chính vì không có nguồn năng lượng dự bị kịp thời mà hệ thống chữa cháy tại chỗ đã bị tê liệt hoàn toàn khi xảy ra sự cố. Thượng tá Cường cũng cho biết, nếu lực lượng PCCC không có mặt kịp thời thì hậu quả không dừng ở đó, bởi hệ thống PCCC tại chỗ đã bất lực hoàn toàn. Đáng lo ngại là hệ thống, thiết bị và công nghệ PCCC tương tự hiện được lắp đặt ở hầu hết các trạm biến áp. Nhiều trạm ở xa khu trung tâm đô thị, nếu có sự cố mà hệ thống PCCC tại chỗ không hiệu lực thì an toàn cấp điện sẽ bị đe doạ.

Phó GĐ Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung – ông Thái Hồng Kỳ – cho biết, phụ tải trạm 500kV Đà Nẵng cung cấp cho 6 tỉnh miền Trung là 360-400MW. Máy AT2 bị cháy, sứ mệnh này giao cho AT1. Trong khi AT1 chỉ có công suất tối đa là 380MW. Vì vậy, hiện việc cấp điện phải huy động từ 2 đầu Nam, Bắc. Quảng Bình nhận điện từ trạm 500kV Hà Tĩnh (50MW); Quảng Ngãi nhận điện từ trạm 220kV Bồng Sơn, Bình Định (10MW). Hiện, không có địa phương nào bị sa thải phụ tải (cắt điện). Chất lượng điện (điện áp) vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, khu vực 6 tỉnh này hoàn toàn không còn khả năng dự phòng nếu tiếp tục có sự cố.

Tin riêng của Lao Động cho hay, hiện hệ thống PCCC tự động, tại chỗ của hầm đường bộ Hải Vân – công trình trọng điểm quốc gia – vẫn chưa được Cục CS PCCC – Bộ Công an – thẩm định. Trả lời PV, ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Trưởng ban Quản lý dự án 85-Bộ GTVT, chủ đầu tư công trình xây dựng hầm đường bộ Hải Vân – thừa nhận: “Công trình này dù đã được bàn giao, vận hành hơn 3 năm, nhưng đến nay, Cục Cảnh sát PCCC vẫn chưa có văn bản chấp thuận, chưa thẩm định hạng mục PCCC tự động tại hầm đường bộ Hải Vân”.

Ông Cảnh còn cho biết: Có nhiều điểm mà Cục CS PCCC chưa chấp nhận, đó là phương thức đẩy của hệ thống cửa (theo phương đứng) ở các hầm thông gió. Được biết, hệ thống PCCC tự động tại hầm đường bộ Hải Vân đã vận hành có hiệu quả, dập tắt được các đám cháy do tai nạn giao thông. Tuy vậy, nếu có sự cố lớn, trách nhiệm không biết thuộc về ai?

 

Lao Dong

Comments are closed.