Kinh doanh bảo hiểm gặp khó

samsungvina_resize.jpgToàn ngành bảo hiểm đã đạt doanh thu trên 27.000 tỉ đồng, bằng 2,2% GDP trong năm 2008, nhưng tính chung toàn bộ thị trường bảo hiểm, lỗ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tới 163,5 tỉ đồng.

Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm cho biết, trong số 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã được cấp phép, trừ Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ MSIG Việt Nam chưa hoạt động thì chỉ có 8 doanh nghiệp bảo hiểm có lãi trong năm 2008.

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm, toàn thị trường đã giải quyết bồi thường 4.511 tỉ đồng, với tỉ lệ bồi thường 41,5%. Tỉ lệ bồi thường trên, nếu so với phí được hưởng (50% phí thực thu trong năm) là cao, có nhiều nghiệp vụ và doanh nghiệp ở mức đáng báo động.

Với bảo hiểm nhân thọ, sự cố lạm phát tăng cao từ giữa năm 2008 khiến số khách hàng đang tham gia bảo hiểm chấm dứt hợp đồng trước hạn, rút tiền gửi ngân hàng tăng mạnh khiến cho giá trị hoàn trả tăng. Nguồn khách hàng tiềm năng cũng giảm nên số lượng hợp đồng mới khai thác được không nhiều.

Tuy doanh thu cả năm 2008 của khối này đạt 10.339 tỉ đồng, tăng 9,3% so với năm 2007, song tổng số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới trong kỳ giảm gần 14% so với năm 2007. Đặc biệt, số lượng hợp đồng bị hủy bỏ năm thứ nhất tăng 8,83% so với năm 2007.

Tính hết quý I năm 2009, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong kỳ giảm 11%, hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ tăng tới 15%.

8 doanh nghiệp bảo hiểm có lãi trong năm 2008 gồm:

Bảo Việt: 74,8 tỉ đồng

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI): 4,8 tỉ đồng

Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex ( PJICO): 0,9 tỉ đồng

Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long): 6 tỉ đồng

Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không Việt Nam (VNI): 1,9 tỉ đồng

Công ty Bảo hiểm Liên hiệp(UIC): 50,7 tỉ đồng

Công ty liên doanh Bảo hiểm Quốc tế Việt Nam (VIA): 30,5 tỉ đồng

Công ty liên doanh Bảo hiểm Samsung Vina (SVI)): 3,5 tỉ đồng

Theo Baomoi.com

 

 

Comments are closed.