Kinh doanh bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt: Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

Vi?c b?t bu?c ph?i n?p 5% doanh thu phí b?o hi?m cháy n? cho l?c l??ng phòng cháy, ch?a cháy b? các DN cho là quá cao(?TCK-online) Th? tr??ng b?o hi?m h?a ho?n và các r?i ro ??c bi?t trong nh?ng n?m g?n ?ây có t?c ?? t?ng tr??ng doanh thu cao, t??ng ??i an toàn. Tuy nhiên, hi?n v?n còn không ít v?n ?? khi?n nghi?p v? kinh doanh này ch?a có lãi.

Tăng doanh thu, giảm lợi nhuận

Nhu cầu bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt ngày một tăng theo đà tăng trưởng của đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân. Đặc biệt, khi có Luật Phòng cháy chữa cháy và Nghị định 130 về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc khiến thị phần của nghiệp vụ này tăng mạnh…

Tuy nhiên, có một thực tế là các DN bảo hiểm cạnh tranh ngày càng gay gắt đi liền với phát triển nóng, chiếm lĩnh thị trường thị phần.

Các hành vi cạnh tranh gay gắt thường là hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm, thậm chí sang cả phạm vi bảo hiểm của loại sản phẩm bảo hiểm khác, gộp nhiều cơ sở sản xuất – kinh doanh ở các địa phương khác nhau của một công ty thành một đối tượng bảo hiểm để đạt giá trị trên 30 triệu USD, nhằm không áp dụng biểu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, tính phí bảo hiểm mọi rủi ro hoặc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt tương đương với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có rủi ro thuộc phạm vi mở rộng coi như không có phí bảo hiểm).

Xét về con số tuyệt đối, năm 2005, doanh thu đối với bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt mới đạt 5.678 tỷ đồng thì đến năm 2009, con số này đã là 13.641 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều DN bảo hiểm không có lãi trong kinh doanh nghiệp vụ này: hai năm 2008 và 2009, mỗi năm có 16 DN bảo hiểm  không có lãi. Nhờ có đầu tư vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nên năm 2008 còn 5 DN lỗ (AAA, Bảo Tín, Groupama, Liberty, ACE), năm 2009 còn 4 DN lỗ (Liberty, Groupama, Fubon, MSIG).

Hiện nay, 100% DN bảo hiểm, chi nhánh công ty thành viên đều tham gia bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt. Đây là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt, vì khai thác các đối tượng bảo hiểm dạng này thường mang lại mức phí bảo hiểm cao.

Doanh thu có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt năm 2007 có tốc độ tăng trưởng 162,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường cũng có xu hướng ngày càng tăng.

Nếu không tính phải trích lập dự phòng phí chưa được hưởng (khoảng 50%), dự phòng dao động lớn (3 – 5%), dự phòng tổn thất đã xảy ra nhưng chưa giải quyết bồi thường, chi phí hoa hồng và môi giới tái bảo hiểm thì tỷ lệ số tiền đã bồi thường trên doanh thu khai thác mới trong năm có xu hướng tăng, đặc biệt năm 2008 là 41,3%, năm 2007 là 47%.

Phí bảo hiểm giữ lại ở mức độ khiêm tốn từ 16,2% năm 2008 tới cao nhất là 31,2% năm 2009, trong đó tái bảo hiểm ra nước ngoài chiếm xấp xỉ 50%. Hay nói cách khác, các DN bảo hiểm cạnh tranh gay gắt nhưng đem lại kết quả là trên dưới 70% doanh thu khai thác được phải tái bảo hiểm và chỉ được hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.

Doanh thu từ năm 2007 giảm rõ rệt do việc phải tách riêng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ra khỏi bảo hiểm cháy nổ tự nguyện.

Khi thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, các nhà hoạch định chính sách cũng như các DN bảo hiểm đều có kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng đột biến về doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, vì hầu hết các đối tượng, kể cả đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước đều thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không như mong muốn do: đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hầu hết đều không đạt tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy, một trong những điều kiện tiên quyết để mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Mặt khác, họ là đối tượng có rủi ro cao nên nếu bảo hiểm bắt buộc phải chấp nhận phí bảo hiểm cao.

DN bảo hiểm do cạnh tranh giành giật khách hàng, dịch vụ bảo hiểm một cách gay gắt và biện pháp chủ yếu để cạnh tranh là hạ phí bảo hiểm. Nếu bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì không thể hạ phí được. Hơn nữa, bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phải nộp 5% doanh thu phí cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Trong khi có đến 50% phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là phải tái bảo hiểm, có nghĩa là DN bảo hiểm phải nộp tới 10% kinh phí phòng cháy chữa cháy cho phần phí giữ lại.

 

Làm gì để phát triển?

Để khắc phục tồn tại và phát triển thị trường, về quản lý nhà nước, cần sửa đổi Luật Phòng cháy chữa cháy (thiệt hại về người và đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc).

Về cơ chế chính sách, cần sửa đổi tỷ lệ 5% nộp kinh phí phòng cháy chữa cháy tới mức vừa phải và áp dụng cho phần giữ lại của DN bảo hiểm (không tính phần phí tái bảo hiểm).

Cấp kinh phí cho các đơn vị hành chính sự nghiệp mua bảo hiểm và quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đứng đầu nếu không mua bảo hiểm. Cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và xử lý trục lợi bảo hiểm.

Cần sửa đổi quy tắc điều khoản bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phù hợp với Quy tắc điều khoản bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt, để thuận tiện cho việc mở rộng rủi ro bảo hiểm ngoài rủi ro cháy nổ bắt buộc và thuận lợi cho tái bảo hiểm.

Về phía các DN bảo hiểm, cần rà soát lại mẫu đơn bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm nhất, là quy định về đóng phí, thời hạn hiệu lực, rủi ro bảo hiểm, rủi ro mở rộng, loại trừ bảo hiểm, khấu trừ, các định nghĩa. Đồng thời, xây dựng quy trình khai thác gắn liền đánh giá rủi ro với tính phí bảo hiểm, quy trình giám định và giải quyết bồi thường…

TS. Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Đầu tư Chứng khoán điện tử”

Comments are closed.