Thủ tướng kiên quyết yêu cầu các tập đoàn kinh tế (TĐKT) dừng đầu tư ngoài ngành đối với các lĩnh vực: bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…mặc dù Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) kiến nghị không nên “cấm tiệt” hoạt động này.
Trên 19.500 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành
Theo báo cáo Tổng kết việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước của Bộ Kế hoạch –Đầu tư, cho đến nay, đã có 12 TĐKT được thí điểm thành lập, trong đó có 11 TĐKT do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và một TĐKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện, 11 TĐKT đang nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Nếu tính tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế thì 11 TĐKT này cũng chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản, trên 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.
Hầu hết các TĐKT đều được xây dựng trên nền tảng của các tổng công ty 91 thành lập trước đây, chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường ở những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Báo cáo này cũng cho biết, tổng vốn đầu tư ngoài ngành của 11 tập đoàn lên tới trên 19.500 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “thả” tới 2.100 tỷ đồng vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm…
Nhận định về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch –Đầu tư cho rằng, bên cạnh những thành quả mà các TĐKT đem lại thì vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Đó là hầu hết các TĐKT thiên về đầu tư dàn trải, không chú trọng đầu tư chiều sâu nên hiệu quả đầu tư thấp.
“Một số TĐKT mặc dù năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh chính nhưng vẫn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, bao gồm cả những lĩnh vực rủi ro cao như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…làm giảm hiệu quả, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất kinh doanh chính và hệ lụy cho sự phát triển chung của tập đoàn”, ông Đông nói.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các TĐKT trong quá trình tái cơ cấu phải tập trung hơn vào ngành nghề chính, tránh đầu tư dàn trải.
Trước đó, mặc dù đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) trong bài tham luận của mình đã kiến nghị không nên “cấm tiệt” đầu tư ngoài ngành mà phải điều tiết hài hòa nhưng nhưng Thủ tướng vẫn kiên quyết yêu cầu dừng đầu tư ngoài ngành đối với các lĩnh vực: bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.
“Bốn lĩnh vực này thôi không được làm nữa. Dầu khí không được đầu tư bất động sản nhưng có thể đầu tư vào điện”, Thủ tướng nói.
Đầu tư dàn trải, Vinashin hiện đang phải tái cơ cấu
Tránh nhùng nhằng, chồng chéo
Chỉ đạo tổng kết Hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước vừa diễn ra hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mục đích của Hội nghị là để rút ra kinh nghiệm, từ đó sắp xếp lại các TĐKT hiệu quả hơn..
Theo Thủ tướng, việc sắp xếp lại 12 TĐKT phải được giải quyết dần chứ không thể thực hiện ngay lập tức. Căn cứ vào những vấn đề đang đặt ra cần phải xem việc quản lý nhà nước đối với TĐKT như thế nào?
“Nhùng nhằng chồng chéo các đồng chí khổ, tôi cũng khổ. Cuối cùng rồi cũng là trách nhiệm của Thủ tướng thôi!”, Thủ tướng chia sẻ.
Những điều chưa đạt được trong thời gian qua theo người đứng đầu Chính phủ đó là khung thể chế còn vướng, chưa đồng bộ. Kết quả cho thấy, hiệu quả kinh tế có mặt được mặt chưa được. Do vậy, sắp tới phải sắp xếp lại để 12 TĐKT trở nên mạnh hơn, vừa làm được vai trò nhà nước giao, vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Về việc nghiên cứu mô hình quản trị, Thủ tướng cho rằng, cần phải xem xét xem ai nghiên cứu mô hình này, tránh trường hợp “nhiều người có quyền nhưng trách nhiệm không rõ, như con rắn ba đầu không nuôi được”.
Thêm một vấn đề “khó” được đặt ra, đó là mô hình tổ chức. Thủ tướng đặt câu hỏi: “Ai cũng nhất trí Đảng lãnh đạo nhưng liệu Đảng có đứng ra ký hợp đồng được không?”.
Thủ tướng đề nghị thời gian từ cuối năm tới đầu quý I/2011 cần trình phương án rà soát cơ cấu lại 12 TĐKT để Chính phủ xem xét, cơ cấu theo hướng tập trung nhiệm vụ Chính phủ giao.
“Cần xem DN nào giữ 100% vốn. Dưới 100% thì mạnh dạn cổ phần hóa nhưng giữ 65% để được chi phối. Còn lại sẽ đưa lộ trình bán dần để rút vốn đầu tư, tăng vốn cho những ngành chính. DN nào thua lỗ cần phải giải thể hoặc chuyển giao vào ngành chính của DN khác để có hiệu quả. Chẳng hạn, viễn thông điện lực có thể chuyển vào Viettel” , Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc cơ cấu lại cần quan tâm chặt chẽ tới quy chế quản lý nội bộ cùng với quy chế tài chính. .
“Phải rà soát xem cơ cấu lại thì điều lệ thay đổi thế nào? Quy chế và tài chính là hai vấn đề quan trọng của tập đoàn. Vinashin vì thiếu hai yếu tố này nên không có khuôn khổ”, Thủ tướng ví dụ./.
(Baomoi.com)
Comments are closed.